Môi trường nuôi trồng thủy sản - Thách thức lớn: Vượt rào cản để 'tôm khỏe' (08/12/2016)

Môi trường nuôi tôm là nước, nước đã ô nhiễm thì không thể nuôi tôm thành công. Để khắc phục vấn đề môi trường, người dân và doanh nghiệp tại ĐBSCL đã thực hiện nhiều giải pháp cũng như áp dụng các mô hình nuôi tôm hiệu quả.

Như tại Sóc Trăng, từ tháng 3 - 8/2016, Trung tâm Tập huấn và chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL, Công ty Enzyma đã triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng chế phẩm BioWish. Qua hai đợt nuôi thử nghiệm cho thấy chi phí thức ăn giảm (hệ số thức ăn giảm dưới 1.1; trong khi nuôi tôm thông thường ngoài mô hình có hệ số thức ăn từ 1.3 - 1.5).


Vấn đề ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản ngày càng trở nên bức xúc

Mô hình này có nhiều điểm cộng như trong quá trình nuôi, chất hữu cơ trong nước và chất thải và đáy ao nuôi được phân hủy; hệ vi sinh vật có lợi được bổ sung và tăng dinh dưỡng trong môi trường ao nuôi, tăng cường sức khỏe và khả năng kháng bệnh cho tôm, giúp tôm ăn và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Đồng thời giảm thiểu sự hình thành tảo, chất hữu cơ dư thừa và chất thải, giảm thiểu mùi hôi tanh của chất thải, nước ao nuôi, giảm tỷ lệ phát sinh bệnh tôm, giảm chi phí sử dụng hóa chất như thuốc, điện, dầu…

Với diện tích hơn 260.000 ha nuôi tôm, ba mặt giáp biển, Cà Mau có điều kiện thuận lợi để trở thành “vựa tôm” của cả nước. Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững trong điều kiện hạn, mặn, biến đổi khí hậu, ông Lê Văn Sử, GĐ Sở NN-PTNT Cà Mau khẳng định, cần xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cao, thích ứng với biến đổi khí hậu như nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến ít thay nước; nuôi tôm công nghiệp hai giai đoạn, tuần hoàn nước khép kín; nuôi tôm kết hợp nuôi cá rô phi… đồng thời tăng cường quản lý chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và thuốc thú y…

KS. Nguyễn Quốc Thới, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH- CN Cà Mau chia sẻ, việc quản lý chất thải trong ao nuôi tôm hết sức cần thiết. Cần chuẩn bị ao kỹ trước mỗi vụ nuôi; quản lý sự xói mòn do dòng chảy của nước; quản lý thức ăn, màu nước ao nuôi, chọn nguồn nước cấp thích hợp, gom tụ chất thải và tránh khuấy động chất thải trong ao nuôi tôm, loại bỏ chất thải ra khỏi ao.

Tất nhiên hút bùn mang lại hiệu quả cao nhưng cũng có thể gây nguy hại cho tôm tùy thuộc vào kỹ thuật hút bùn và điều kiện từng ao nuôi. Một trong những vấn đề cần lưu ý khi hút chất thải là chỉ hút chất thải khi thật sự cần thiết, chỉ hút bùn vào buổi sáng hàng ngày và mỗi đợt hút bùn không nên kéo dài quá 5 - 7 ngày. Ngoài ra, việc sử dụng ao lắng và nuôi mật độ vừa phải cũng là một giải pháp tốt.

Theo chuyên gia thủy sản TS Bùi Quang Tề, ĐBSCL cần chấp hành nghiêm luật môi trường, coi đó là giải pháp lâu dài và bền vững cho môi trường nói chung và môi trường nuôi trồng thủy sản nói riêng. Việt Nam đã có Luật Môi trường, các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn về môi trường. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền, kiểm tra đôn đốc người dân và người nước ngoài sống ở Việt Nam thực hiện đúng luật.

Đồng thời, tiến hành sửa đổi Luật Môi trường cho phù hợp với thực tế nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, các phương thức nuôi tôm giúp hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi như nuôi theo VietGAP, nuôi kín trong ao đầm và nuôi hở ở lồng bè, giàn treo, nuôi nhuyễn thể, rong biển bãi triều...

Nuôi kín cần có ao lắng, ao lọc để cung cấp nước trước khi nuôi; sau khi nuôi có ao xử lý chất thải đảm bảo an toàn trước khi thải ra bên ngoài; áp dụng nuôi bền vững, an toàn sinh học. Với nuôi hở cần có quy hoạch cụ thể đảm bảo những vùng an toàn về môi trường, thường xuyên quan trắc môi trường thông báo cho người nuôi tại vùng đó; người nuôi trồng thủy sản thả mật độ an toàn sinh học...

Một biện pháp khác là cần kiểm soát sự lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm. Mới đây, Bộ NN-PTNT đã ban hành Kế hoạch kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm và ngăn chặn các hành vi đưa tạp chất vào tôm, sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất nhằm bảo đảm sản phẩm tôm an toàn cho người tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tuyên truyền, giáo dục, vận động người sản xuất, kinh doanh hiểu rõ, hiểu đúng về các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tôm bảo đảm đáp ứng quy định về tồn dư hóa chất kháng sinh và không có tạp chất.

Bên cạnh đó, giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên tôm nuôi để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng, trị bệnh hiệu quả, không sử dụng chất cấm, kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).

 

Theo NGUYỄN CHI – NGỌC ANH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 132
Tổng truy cập: 36753488