Người nuôi tôm lớn nhất xứ Quảng và giấc mơ thuê thêm đất mở rộng quy mô (01/11/2016)

Sau hơn 1 năm chúng tôi trở lại gặp “cao thủ nuôi tôm xứ Quảng” Trần Công Thành (53 tuổi, trú tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam) mà NNVN đã đăng tải. Nghe chuyện ông tích tụ được 10ha ao tôm, thật lắm gian nan. Ao hồ nằm rải rác, thời gian thuê đất ngắn khiến dự định sản xuất lớn của ông chưa thành...

Nuôi tôm kiểu mới

Về đại bản doanh của “cao thủ nuôi tôm xứ Quảng” ở thôn An Hòa, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, chúng tôi bắt gặp ông Thành đang kéo rớ lên kiểm tra tôm vừa thả được hơn tuần. Ông bảo: “Nó lớn nhanh lắm, không có dịch bệnh như trước đây. Đây là thành quả bước đầu mà tôi mới đưa vào áp dụng”.


Khu nhà ương tôm giống được ông Thành đầu tư hơn 1 tỷ đồng

Tôi hỏi: Ông tự tin vậy à? Ông đáp: “Thì đó, mới đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà ương tôm giống. Con tôm giống mua về, tôi đưa vào nhà nuôi 1 tháng để chăm sóc, sau đó mới thả ra ao. Để có nhà ương, tôi “cắt bớt” số tiền từ vụ nuôi đầu năm lời hơn 4 tỷ đồng để xây dựng”.

Đứng từ phía xa, một khu nhà ương rộng hơn 1.000m2 được làm khá bài bản, phía trong có bốn ao khoảng 800m2. Ông kể, trước đây ông mua tôm giống về thả xuống ao nuôi liền nên tỷ lệ hao hụt rất lớn, phần nữa tôm chậm lớn. Ông học hỏi từ nhiều nơi và áp dụng xây nhà ương. Ông mua 2 triệu con tôm giống thả xuống 4 ao, sau 1 tháng được chăm sóc đặc biệt, lúc đó mới đưa ra ao nuôi.

“Cách làm này mình đầu tư một số tiền xây dựng nhưng lợi được nhiều đường. Cụ thể, tôm từ nhà ương thả ra ao rất mạnh khỏe, tỷ lệ hao hụt ít, bệnh tật được kiểm soát ngay từ đầu. Cứ đà này sau hơn 70 ngày nuôi sẽ thu hoạch với trọng lượng 40 con/kg. Sắp tới, tôi tiếp tục nhập tôm giống về và đưa vào nhà ương chăm sóc, sau đó đưa ra ao, phương pháp nuôi mới này rất hiệu quả”, ông Thành chia sẻ.

Hỏi về quy hoạch diện tích ao nuôi như thế nào? Ông Thành đáp: “So với năm trước gặp anh, diện tích vẫn giữ nguyên 10ha. Bởi muốn mở rộng thì không thuê ra đất. Từng ấy diện tích nằm ở 4 nơi, mỗi nơi lại cách nhau cả cây số. Ao nuôi nằm rải rác nên rất khó trong việc chăn nuôi và quản lý nhưng biết làm sao, khi chỉ thuê và mua được từng ấy đất. Tôi gặp rất nhiều cản trở trong đầu tư và SX, nhưng phải chấp nhận thôi”.


Cao thủ nuôi tôm Trần Công Thành kiểm tra tôm vừa thả

Trong 10ha đất, ông chỉ nuôi 5ha, số còn lại dùng để làm nơi chứa nước cung cấp cho ao nuôi. “Nguồn nước cung cấp được loại bỏ các chất gây hại nên con tôm sinh trưởng phát triển nhanh, dịch bệnh không có. Mặc dù, diện tích giảm xuống so với trước đây nhưng mật độ nuôi tăng lên. Trước đây 200 con/m2 nay thả đến 250 con/m2. Nguồn nước đảm bảo, tôm giống khỏe mạnh, ăn nhiều, tăng trọng nhanh”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, để có từng ấy đất, vào năm 2011, ông bỏ 200 triệu đồng mua được 3ha đất cát ven sông Trường Giang, giáp biển ở thôn An Hòa, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành. Ông đầu tư khoảng 100 triệu đồng đắp bờ, trải bạt, bơm nước vào thả tôm. Sau nhiều vụ nuôi thắng lợi, có được đồng tiền lời, ông thuê 7ha đất của người dân. Mỗi năm, ông chi trả 50 triệu đồng/ha.

“Riêng 3ha tôi làm chủ sở hữu thì mạnh dạn đầu tư xây dựng quy mô bài bản, còn đất thuê chỉ làm tạm bợ. Tôi ký hợp đồng với bà con được có 5 năm, trên diện tích này, tôi chỉ đắp bờ, trải bạt thả nuôi, không dám bỏ tiền đầu tư hạ tầng, vì thời gian thuê đất ngắn quá, mình bỏ tiền ra làm khi hết thời hạn bà con lấy lại đất chỉ có trắng tay. Do đó, để phát triển nuôi tôm lâu dài thì phải có được hợp đồng thuê đất 20 - 50 năm mới dám đầu tư mạnh”, ông Thành bộc bạch.


3ha đất ông Thành mua được đầu tư quy mô bài bản

Hiện tất cả các ao ông Thành áp dụng nuôi tôm sạch, sản phẩm làm ra đều được DN lớn thu mua xuất khẩu. Trước khi thu hoạch, phía đối tác lấy mẫu kiểm tra rất chặt chẽ, nếu không đạt chất lượng thì từ chối. “4 năm qua sản phẩm tôi làm ra chưa vụ nào mà khách hàng khó tính từ chối. Bởi trọng lượng lớn, tôm không có kháng sinh, đến kỳ thu hoạch xuất bán đều có người đặt hàng. Tôm của tôi thường bán cao hơn thị trường 20.000 đồng/kg”, ông Thành tâm sự.

Tôi hỏi ông: Sao không làm chứng nhận VietGAP cho sản phẩm vậy? Ông đáp: “Để có chứng nhận đó, khâu xây dựng ao nuôi phải quy mô bài bản nhưng thuê đất ngắn hạn nên không thể đầu tư để đạt được tiêu chuẩn đó. Còn để có được chứng nhận thì đòi hỏi phải có được hợp đồng thuê đất lâu năm, tôi bỏ tiền đầu tư công nghệ, xây dựng quy mô hồ nuôi theo quy chuẩn”, ông Thành cho biết.

Mong có được khu nuôi tập trung

Theo ông Thành, nuôi tôm thẻ chân trắng đối diện với rủi ro rất cao, nhưng bản thân ông lăn lộn nhiều năm, có những kinh nghiệm cho riêng mình nên thất bại hầu như không xảy ra. Do vậy hiệu quả kinh tế đem lại rất cao đối với ông. “Mỗi vụ thả nuôi 3 tháng, trừ phí đầu tư, 1ha tôm cho lãi ròng trên 1 tỷ đồng. Một năm nuôi 4 vụ, nếu thành công sẽ đưa về 4 tỷ đồng/ha đất”, ông Thành tính toán.


Ao hồ thuê trong 5 năm, ông Thành không dám đầu tư lớn vì thời gian sử dụng quá ngắn

Tại Quảng Nam, khu vực ven biển, ven sông có rất nhiều lợi thế về nuôi tôm thẻ chân trắng, có nhiều vùng đất ven biển để không, nếu có tiền đầu tư rất thuận lợi cho loài hải sản này phát triển. Để có được những vùng đất đó thì nhà nước cần đứng ra cho người dân, DN thuê đất, còn để những người nuôi tôm thuê ngắn hạn sẽ kìm hãm sự phát triển về quy mô.

Mang nghiệp tôm thẻ chân trắng vào người hơn 5 năm nay, hiện ông Thành đã có 10ha, nhưng vẫn chưa hài lòng. Ông muốn có thêm diện tích tập trung để đầu tư. Tuy nhiên, chạy khắp nơi thuê đất mà không ai gật đầu đồng ý. Người dân thà bỏ không ao hồ chờ khi tôm có giá thì đua nhau thả nuôi, họ nhất quyết không cho thuê đất. Do đó, giấc mộng có nhiều đất đối với người nuôi tôm có nhiều kinh nghiệm và luôn gặt hái thành công như ông Thành bỏ dở.

“Giờ muốn có được khu đất tập trung để đầu tư công nghệ, xây dựng bài bản. Để làm được cái này thì nhà nước phải giúp đỡ, cho thuê đất trên 20 năm tôi mới mạnh dạn làm. Còn đứng ra gom đất của dân, thời hạn ngắn, đất đai nằm rải rác không thể thành công được”, ông Thành nói.

Các khu nuôi tôm của ông Thành thu hút 20 lao động, thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Còn lao động bán thời vụ có khi lên đến cả trăm người. Những mô hình, kỹ thuật nuôi tôm thành công, ông Thành không ngần ngại chia sẻ với những ai đến học hỏi.

 

Theo ĐẮC THÀNH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 156
Tổng truy cập: 37024061