Nâng tầm chất lượng tôm giống (16/08/2016)

Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị quản lý giống tôm nước lợ tổ chức sáng 15/8, tại TP Phan Thiết, Bình Thuận.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại hội nghị

Hội nghị có sự tham gia đại diện 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước và các DN sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 6/2016, cả nước có 1.750 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó 1.240 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 510 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, sản xuất được 55,4 tỷ con giống.

Riêng tỉnh Bình Thuận, hiện có 131 cơ sở sản xuất giống thủy sản với 683 trại giống. Đa số các trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Số lượng cơ sở sản xuất tôm giống không có sự thay đổi nhiều qua các năm nhưng công suất và quy mô trại giống được tăng lên hàng năm do các cơ sở thường xuyên nâng cấp và mở rộng quy mô.

Trong đó, có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống được xây dựng khang trang, quy mô sản xuất lớn, được đầu tư trang thiết bị hiện đại và đội ngũ kỹ thuật lành nghề, sản xuất tôm giống có chất lượng, có uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Điển hình như Cty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Cty TNHH Thông Thuận, Cty TNHH Trường Thịnh, Cty TNHH Đại Thịnh, DNTN Trần Hậu Điển. Ngoài ra, có 2 Cty có vốn đầu tư nước ngoài là Cty CP chăn nuôi CP - Chi nhánh Bình Thuận và Cty CP thủy sản Việt Úc.


Giới thiệu tôm giống bố mẹ tại cơ sở sản xuất tôm giống Việt – Úc, huyện Tuy Phong.
Ảnh: Nguyễn Thanh

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, ngày nay các cơ sở chú trọng đến công nghệ sản xuất tôm giống sạch bệnh, kháng bệnh, chất lượng cao, không sử dụng kháng sinh mà chủ yếu sử dụng các loại men vi sinh. Nhiều DN sản xuất tôm giống theo đơn đặt hàng, qua đó đã chủ động bố trí sản xuất, nâng cao chất lượng tôm giống và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc lai tạo, nhân giống tôm nước lợ và sản xuất được nguồn tôm bố mẹ.

Riêng Tập đoàn Việt - Úc, từ tháng 6/2015 đến nay, đơn vị đã chọn tạo thành công giống tôm thẻ chân trắng trong nước thế hệ G3, được công nhận giống thủy sản mới. Mỗi năm, tập đoàn này sản xuất được 5.000 - 10.000 con tôm bố mẹ phục vụ cho nhu cầu sản xuất tôm giống. Cùng với đó, chúng ta cũng đã khá thành công trong việc thực hiện gia hóa tạo tôm sú bố mẹ trong điều kiện nhân tạo.

Trung tâm giống hải sản cấp 1 (Sở NN-PTNT Ninh Thuận), cũng đã sản xuất thành công và cung cấp cho thị trường trên 10.000 con tôm sú bố mẹ, được Bộ NN-PTNT công nhận giống thủy sản mới…

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành này vẫn còn nhiều bất cập, nhất là khâu tôm bố mẹ chủ yếu từ nguồn nhập nội và khai thác từ tự nhiên dẫn đến sản xuất thiếu tính chủ động, phụ thuộc vào các nước xuất khẩu. Ngoài ra, công tác quản lý về nguồn gốc tôm giống; hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý cải tạo môi trường; sản xuất và thương mại… cũng bộc lộ nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận cho rằng: “Việc sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí sử dụng tôm bố mẹ lấy từ tôm thịt nuôi dưới ao, đìa lên hoặc nhập lậu tôm từ Thái Lan, Trung Quốc là nguyên nhân chính làm thất bại, gây dịch bệnh gây thiệt hại cho người nuôi tôm”.

Sau khi nghe các phát biểu tham luận, ý kiến phản ánh của các DN tôm giống, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nuôi trồng là một thế mạnh của nước ta, trong đó con tôm là đối tượng có lợi thế nhất. Cả nước đã bước đầu hình thành những vùng trọng điểm nuôi tôm ở những quy mô, cấp độ khác nhau; hình thành được đội ngũ doanh nhân ở các khâu như giống, sản xuất, chế biến, xuất khẩu…


Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra quá trình nuôi tôm giống tại huyện Tuy Phong. Ảnh: Nguyễn Thanh

Một số DN làm chủ bước đầu về công nghệ; đội ngũ DN trưởng thành hơn, góp phần đặt nền móng cho tương lai phát triển của ngành tôm. Tuy nhiên, những vấn đề bất cập chung hiện nay của ngành tôm là vẫn dựa trên quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu khai thác tài nguyên. Trong khi đó, yếu tố khoa học công nghệ sản xuất chuỗi chưa nhiều.

Do vậy, con tôm Việt Nam được đánh giá là chưa có thương hiệu mạnh. Quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương còn nhiều khâu, nội dung chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có hiệp hội ngành hàng để thống nhất. Về phía địa phương, công tác quản lý nhà nước từ tổ chức, kiểm soát, phối hợp với các chủ thể quản lý, chủ thể sản xuất còn hạn chế.

Bộ trưởng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất tôm tập trung nâng cao chất lượng, rà soát lại quy trình; nâng cao hơn nữa chất lượng tôm giống, góp phần hạ giá thành tôm giống. Yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát từ con giống; có biện pháp mạnh về các hành vi gian lận thương mại, phá hoại, tiêm chích dung môi...

Đồng thời, tuyên truyền bằng nhiều hình thức trong vấn đề sản xuất sạch. Riêng Tổng cục Thủy sản và các cơ quan của Bộ cần có chiến lược xây dựng con tôm Việt Nam đúng với tầm vóc, tiềm năng lợi thế; phải phối hợp xây dựng được quy trình chuỗi đối với những đối tượng thâm canh, quảng canh…

Tập trung SX tôm giống chất lượng cao

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, địa phương này đang có 131 cơ sở SX giống thủy sản với hơn 680 trại giống, trong đó phần lớn là các trại tôm giống tập trung trên địa bàn huyện Tuy Phong. Đến nay đã SX được gần 13 tỷ con tôm post, trong đó post thẻ chân trắng chiếm 12 tỷ con.

Với cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện có, tỉnh Bình Thuận có khả năng SX tôm giống đến hơn 40 tỷ post/năm theo hướng đầu tư công nghệ chất lượng cao, kháng bệnh, không sử dụng kháng sinh nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu nuôi tôm trong cả nước.

Theo Đ.QUYÊN - KIỀU HẰNG - THẮNG MINH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 95
Tổng truy cập: 38499645