Sốt giống tôm càng xanh ở ĐBSCL (15/06/2016)

Do nguồn con giống nhập nội chiếm phần lớn thị trường nên chất lượng con giống tôm càng xanh (TCX) khó đảm bảo. Hơn nữa, vận chuyển con giống nhập khẩu qua đường tiểu ngạch có thể gây rủi ro cho người nuôi.


Tôm càng xanh

Năm nay do hạn, mặn xâm nhập mạnh kéo dài đến tháng 5, vùng nuôi tôm nước lợ ven biển ở ĐBSCL lo ngại dịch bệnh nên chậm vào vụ. Trong khi đó mô hình nuôi ghép TCX với tôm sú hay tôm thẻ tự phát mới nổi lên khiến mức tiêu thụ TCX giống gia tăng.

Nhu cầu con giống tăng cao

Hằng năm khoảng tháng 5, tháng 6 ở vùng luân canh theo mô hình lúa- tôm bắt đầu vào mùa nuôi TCX để thu hoạch bán trước tết và trả lại đất ruộng gieo sạ lúa ĐX.

Ở một số địa phương nuôi TCX chuyên canh thường thả giống tháng 10 đến tháng 5 năm sau thu hoạch. Riêng vùng ngọt ven sông Hậu, sông Tiền người nuôi TCX theo dõi dự báo từ đầu mùa lũ hằng năm để đón con nước lên.

Đây là thời điểm các cơ sở SX tôm giống bắt đầu bán giống cho khách hàng. Ông Trần Tấn Khoa, Tổng Giám đốc Cty Giống thủy sản Hưng Phú, có trụ sở chính tại Cà Ná, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) nhận thấy tiềm năng mở rộng vùng nuôi TCX ở ĐBSCL khá lớn. Từ tháng 8/2015, ông quyết định mở chi nhánh tại quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Qua vụ nuôi TCX 2015, Cty Hưng Phú bán ra hơn 10 triệu con giống.

Ông Khoa cho rằng, năm nay do hạn mặn gay gắt nên người nuôi tôm vùng nước lợ ven biển ĐBSCL ngại thời tiết bất lợi chỉ thả tôm sú, tôm thẻ chân trắng mang tính thăm dò. Số lượng con giống tiêu thụ không nhiều. Tuy nhiên sau vài vụ nuôi ghép tôm sú, tôm thẻ với TCX thấy hiệu quả, nhu cầu con giống TCX càng tăng mạnh.

Theo ông Khoa, Cty Hưng Phú SX con giống chuẩn bị cho vụ thả TCX hiện đạt mức bình quân 20 triệu con giống/tháng, tăng 10 lần so với năm 2015. Nhưng số lượng này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu con giống đang vào mùa, trong khi các cơ sở, Cty SX con giống trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 10%, còn lại 90% nhập từ Trung Quốc và Thái Lan.

TCX là đặc sản miền Tây Nam bộ, tôm thương phẩm giá ổn định 240-250 ngàn đồng/kg (loại 15-20 con); trên 140-150 ngàn đồng/kg (loại 50 con/kg). Hơn nữa, đây là đối tượng vật nuôi chuyển đổi thích nghi trong điều kiện độ mặn tăng cao ở vùng lợ và ngọt hoặc nuôi trong ao đất chủ động nguồn nước có thể nuôi quanh năm, là xu hướng mới cho người nuôi tôm ở ĐBSCL.

TCX giống tuy hút hàng nhưng không tăng giá. So với năm 2015 có thời điểm khan hàng thiếu TCX giống giá 350đ/con, hiện nay TCX giống mức giá khá chênh nhau, tôm giống trong nước bán 180-200đ/con. Cty Hưng Phú bán 230đ/con và giảm giá khuyến mãi 20% cho nông dân đến đặt hàng trước, kèm theo chính sách hậu mãi, tư vấn kỹ thuật nuôi.

Chọn giống tốt và nuôi ghép

Do nguồn con giống nhập nội chiếm phần lớn thị trường nên chất lượng con giống TCX khó đảm bảo. Hơn nữa, vận chuyển con giống nhập khẩu qua đường tiểu ngạch có thể gây rủi ro cho người nuôi.

Trong khi đó thăm dò nông dân mỗi nơi có ý kiến khác nhau. Một nông dân vừa nuôi tôm vừa bán tôm giống ở Lấp Vò (Đồng Tháp) khen con giống nhập từ Trung Quốc khá tốt. Còn nông dân ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) hay ở An Biên, An Minh (Kiên Giang) nhận xét, tôm giống nhập tiểu ngạch từ Thái Lan do vận chuyển đường xa về nên nuôi hao hụt nhiều, tỷ lệ sống chỉ đạt 20%.

Ông Nguyễn Văn Huynh ở quận Ô Môn (Cần Thơ) có kinh nghiệm nuôi TCX chuyên canh vẫn khẳng định nên chọn TCX giống của cơ sở SX tôm giống trong nước có uy tín, tin cậy. Con giống có kiểm dịch, kiểm soát mầm bệnh ngay từ đầu, tôm khỏe, vượt trội hơn hẳn giống tôm nhập ngoại.

Ông Huynh đã trải qua một vài vụ chọn tôm giống nhập từ Trung Quốc, thời gian đầu thấy tôm lớn nhanh, nhưng sau đó chựng lại. Thời gian nuôi sau 4- 5 tháng tôm 3 con chỉ đạt 100 gram (bán nấu lẩu cho tiệc cưới), chưa kể hao hụt do ăn lẫn nhau trong thời kỳ tôm lột xác. Trong khi cùng thời gian nuôi, với tôm giống SX trong nước nuôi đạt 3 con nặng 120-150 gram.

Nuôi TCX trong 6 tháng thu hoạch. Đối với mô hình nuôi ghép tôm thẻ với TCX, một số nông dân ở Kiên Giang có sáng kiến mới: Sau 3 tháng thu tôm thẻ, lựa chọn TCX cái thả lại nuôi tiếp và lợi dụng nguồn nước cũ thả đợt giống tôm thẻ tiếp theo với mật độ 10 con/m2. Đặc biệt, TCX có khả năng sống và phát triển tốt trong điều kiện độ mặn dưới 15%0.

Ở Bến Tre một số hộ nuôi ghép mật độ cao bằng cách thả tôm thẻ vào ao trước với 30 con/m2 (cỡ tôm post 10-12 mm), sau khi thả tôm thẻ được 25-30 ngày thì mới thả TCX với mật độ 5 con/m2 (TXC đã được ương nuôi từ tôm post đến 45 ngày tuổi hoặc tôm đạt cỡ 3-5cm, phân loại tôm đực và tôm cái riêng).

Sản lượng bình quân 1 ao nuôi 2.500 m2 đạt 1,8 tấn tôm thẻ và 0,3 tấn TCX. Sau khi trừ chi phí khoảng 300 triệu đồng, lợi nhuận thu 100-120 triệu đồng. Hoặc nuôi ghép với mật độ thấp, tôm thẻ thả trước mật độ 10-15 con/m2, sau đó thả TCX mật độ 3-5 con/m2, cho ăn đơn giản, hiệu quả.

Theo HƯNG PHÚ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 129
Tổng truy cập: 37012987