Thay đổi tư duy canh tác trước hạn hán, xâm nhập mặn (04/04/2016)

Trước câu hỏi: Chúng ta sẽ sống chung thế nào với hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL? Ông Kim Văn Tiêu – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngẫu hứng làm mấy câu thơ: “Ta về đào đất nuôi tôm/ Thay vì cấy lúa ôm rơm mệt người/ Hiệu quả hơn hẳn người ơi/ Tư duy thay đổi mới là người khôn”.


Ông Kim Văn Tiêu – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Ông Tiêu chú thích: Con tôm trong câu thơ thứ nhất chỉ là một trong rất nhiều loài thủy sản giá trị cao có thể sinh trưởng tốt ở môi trường nước mặn. Trò chuyện với PV, ông “dốc bầu tâm sự” về rất nhiều mô hình nuôi thủy sản nước mặn hiệu quả tại vùng đất “chín rồng”.

Hệ thống khuyến nông có hẳn một “kho tàng” về các mô hình nuôi thủy sản nước mặn hiệu quả. Ông có thể chia sẻ rõ hơn không?

Trước hết, phải khẳng định ĐBSCL có thiên thời, địa lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn. Và trên thực tế, người ta đã phát triển (đa phần là tự phát) các vùng nuôi tôm, cá ở đây từ lâu rồi. Chỉ có điều, chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể và chưa làm bài bản cho ra tấm ra món.

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng nhiều mô hình thử nghiệm các giống thủy sản thích ứng với môi trường nước mặn tại các tỉnh thuộc ĐBSCL. Tuy gặp phải không ít thất bại, nhưng quá trình miệt mài “đãi cát” cũng tìm ra được những “hạt vàng”.

Với môi trường nước có độ mặn cao trên 25‰, những loại cá có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt là cá chẽm (cá vược), cá mú, cá đối nục, cá chim vây vàng. Còn với vùng có độ mặn nhỏ hơn 25‰, có thể nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP, nuôi cá bống bớp trong ao, nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, nuôi kết hợp tôm sú – lúa...

Vậy hiệu quả kinh tế của những mô hình này ra sao?

Với nuôi cá vược, mô hình này không chỉ phát triển ở các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình mà còn phát triển mạnh ở ĐBSCL. Năng suất có thể đạt 8 tấn/ha, lợi nhuận của mô hình đạt từ 200 – 300 triệu/ha.

Mô hình nuôi cá mú (cá song) trong ao tại Kiên Giang đạt lợi nhuận 400 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi cá đối cũng đem lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha. Đặc điểm của loài cá này là hiền, ăn chủ yếu thực vật, thích ứng với ngưỡng độ mặn rộng (từ 3 - 33‰), có thể sống trong cả môi trường nước mặn và nước lợ. Hiện nay, con giống đã được ương nuôi tại Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ ĐBSCL tại Sóc Trăng.

Với vùng xâm nhập mặn dưới 25‰, mô hình nuôi tôm chuyên canh với hình thức thâm canh và bán thâm canh chúng tôi đã thực hiện tại Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu với diện tích 9 ha. Năng suất tôm thẻ chân trắng đạt trên 10 tấn/ha, tôm sú đạt hơn 3 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế trung bình từ 600 – 800 triệu đồng/ha. Đây là mô hình đạt hiệu quả nhưng quy mô, số lượng mô hình chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng của ĐBSCL.

Ngoài ra, mô hình nuôi thử nghiệm cá bống bớp tại Sóc Trăng đạt lợi nhuận trung bình 300 triệu đồng/ha; mô hình nuôi luân canh 1 vụ tôm càng xanh, 1 vụ lúa, hiệu quả từ 60 – 70 triệu đồng/vụ (6 tháng)...

Được biết, rô phi cũng là giống thủy sản đang lên ngôi tại các vùng nước mặn ở khu vực ĐBSCL. Vì sao nó lại được nông dân chuộng như thế?

Con cá rô phi đang trở thành đối tượng làm giàu với nhiều hộ dân vùng ĐBSCL bởi nó phát triển tốt ở môi trường nước có độ mặn từ 25‰. Người Mỹ và các nước châu Phi rất thích ăn cá rô phi vì thịt của nó trắng, dai và thơm. Những năm qua, giá trị xuất khẩu cá rô phi không ngừng tăng. Cụ thể, năm 2014 là 30 triệu USD, đến năm 2015 tăng lên gần 37 triệu USD. Giá 1 kg thịt cá rô phi phi lê khoảng 6 USD, cao hơn cá tra nhiều.

Về bài toán kinh tế: Mỗi ha ao nuôi cá rô phi (mật độ 3 con/m2, cỡ giống 4 – 6 cm, hệ số thức ăn là 1,3 – 1,5) sau khi nuôi 5 – 6 tháng đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi ít nhất 120 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nuôi loài cá này rất hiếm gặp rủi ro vì ít dịch bệnh. Hiện tại, Cty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là một trong những đơn vị tiên phong về phát triển vùng sản xuất cá rô phi xuất khẩu.

Mặc dù vậy, diện tích thả cá rô phi ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung vẫn quá nhỏ, và sản lượng cả nước mỗi năm chỉ đạt khoảng 120.000 tấn. Nguyên nhân là do khâu nghiên cứu giống của chúng ta còn yếu kém. Dù không có điều kiện nền nhiệt ấm như Việt Nam nhưng ở Trung Quốc họ có giống rô phi rất tốt. Người ta chỉ cần nuôi 4 tháng là cá rô phi đạt trọng lượng 0,8 đến 1 kg; hệ số tiêu tốn thức ăn là 1,3. Còn ở Việt Nam, để cá đạt trọng lượng như trên cần nuôi 6 tháng, hệ số thức ăn là 1,5.

Nghe ông nói về hiệu quả của các mô hình thủy sản trên thật sáng lạn, nhưng vì sao người nuôi tôm, cá ở ĐBSCL vẫn lúc chìm lúc nổi? \

Thứ nhất, hệ thống thủy lợi mới chỉ làm cho cây lúa thôi, chứ chưa phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản. Thủy lợi dành cho thủy sản khác ở chỗ phải có kênh cấp và kênh tiêu riêng. Vì nó ô nhiễm, bẩn và nhiều vi khuẩn có hại. Nếu ông A xả nước ao trên, ông B hứng vào ao dưới thì muôn thuở không bao giờ thoát khỏi “bóng ma” dịch bệnh.

Thứ hai, chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể vùng nuôi trồng thủy sản, thế nên không phân định được vùng nào nuôi tôm, vùng nào nuôi cá để xây dựng hạ tầng tương ứng với nhu cầu phát triển. Vừa rồi tôi vào HTX Hoàng Nghĩa trong ĐBSCL, 53 ha của hơn 20 hộ dân sản xuất hàng ngàn tấn tôm mỗi năm. Vậy mà đường đi vào lại quá bé, chỉ ô tô 1,5 tấn trở xuống mới vào được khiến cước vận chuyển đội lên. Điện cũng phập phù, lúc có lúc không. Thế thì làm sao mà phát triển bền vững được.

Thứ 3, tỉnh nào cũng có các cơ quan quan trắc và cảnh báo về môi trường và dịch bệnh (vi khuẩn trong nước, độ mặn, hàm lượng hữu cơ...). Nếu làm tốt khâu này thì không có chuyện cá chết ở sông này, sông khác.

Nâng sản lượng thủy sản, không khó. Khó ở chỗ sản xuất làm sao cho sạch để thị trường chấp nhận và bán được giá cao. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Quay trở lại câu chuyện của Cty Minh Phú. Họ nói rằng: Nếu bây giờ có đủ thực phẩm an toàn, họ có thể xuất khẩu sang Nhật Bản 2 tỷ đô la mỗi năm. Tôi cũng vừa sang Nhật, thấy tôm bên đó rất đắt. Tôm sú kích cỡ 30 con/kg bên mình chỉ 250 – 280 ngàn đồng/kg. Nhưng ở Nhật Bản giá tôm bán tại nơi sản xuất đã là 1 – 1,2 triệu đồng/kg rồi. Nếu thủy sản của Việt Nam vào sâu rộng được thị trường của họ thì rất tốt. Nhưng đáng buồn là diện tích nuôi thủy sản VietGAP của chúng ta còn quá nhỏ.

Một kết quả điều tra do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiến hành thời gian qua về khâu liên kết và tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở ĐBSCL cho thấy: 44% là tự tiêu thụ, 42% là có liên kết với thương lái nhưng còn lỏng lẻo, 14% là có liên kết với doanh nghiệp.

Những hộ liên kết với DN thì an tâm đảm bảo đầu ra và có lãi. Giống như sản xuất theo chuỗi cá tra ở ĐBSCL, hiện nay những hộ liên kết lãi ít nhất là 700 đồng đến 1,5 ngàn đồng/kg. Như vậy, 1 ha nuôi cá tra đạt sản lượng khoảng 400 tấn, ông lãi ít nhất khoảng 300 triệu rồi. Còn hộ không liên kết thì lúc lỗ lúc lãi.

Nhiều người đặt câu hỏi: Khâu nào là quan trọng nhất trong chuỗi liên kết? Tôi nghĩ đó là phép phân chia lợi ích. DN chỉ ăn vừa thôi, ông để cho người nuôi ăn nữa. Các điều khoản hợp đồng đừng nhăm nhăm hốt cả chì lẫn chài để người nuôi chịu.

Theo MINH PHÚC (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 143
Tổng truy cập: 36753488