Vụ tôm nước lợ 2016: Kiểm soát chặt con giống (01/03/2016)

Vừa qua, tại Tp.HCM, Tổng cục Thủy sản tổ chức hội nghị giao ban Triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2016 các tỉnh Nam bộ, do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền chủ trì.

 


Nuôi tôm siêu thâm canh tại Bạc Liêu. (Ảnh: Trần Hiếu)

Tham dự có đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN-PTNT TP.HCM, Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống...

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 2015 là năm người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn như giá tôm nguyên liệu giảm 20 - 30% so với 2014, trong khi đó giá vật tư đầu vào không giảm; việc quản lý tôm giống chưa tốt, các cơ sở sản xuất không tuân thủ quy định về bao bì, nhãn mác, một số cơ sở sản xuất sử dụng nhiều thương hiệu và thay đổi liên tục nên người mua giống không phân biệt được chất lượng và gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

Năm 2015 cả nước có 1.750 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, sản xuất trên 80 tỷ tôm giống, cơ bản đáp ứng nhu cần nuôi của người dân (trong đó tôm sú 20 tỷ con, tôm thẻ chân trắng 60 tỷ con). Diện tích thả nuôi cả nước đạt 678.750ha, bằng 100,8% so với cùng kỳ 2014. Trong đó diện tích nuôi tôm sú là 593.100ha (bằng 102,2% so với 2014); tôm thẻ chân trắng 85.604ha (bằng 89,5% so với 2014).

Sản lượng tôm thu hoạch đạt 618,731 tấn (bằng 113,0% so với cùng kỳ 2014). Trong đó sản lượng tôm sú 268,075 tấn (bằng 112,3% so với cùng kỳ), tôm thẻ chân trắng 350,693 tấn (bằng 113,7% so với cùng kỳ).

ĐBSCL chiếm 72,1% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, tương đương 72,7% về sản lượng; tôm sú chiếm 94% về diện tích, tương đương 94,2% về sản lượng. Năm 2016 do hạn hán độ mặn cao nên diện tích thả nuôi 2 tháng đầu năm đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, bà con đang chờ điều kiện thích hợp sẽ tiến hành thả giống.

Theo Cục Thú y, năm 2015 cả nước có 52.000ha tôm nuôi bị thiệt hại, dịch bệnh, trong đó có 16.000ha bị dịch bệnh do vi khuẩn, virus… (tương đương 30,8%); 34.000ha bị thiệt hại do môi trường (tương đương 65,4%); 2000ha do các nguyên nhân khác (tương đương 3,8%).

Công tác quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản và phòng trừ dịch bệnh, hiện nay đã có 31/63 tỉnh có hoạt động quan trắc môi trường. Một số tỉnh có kinh phí hoạt động quan trắc nhưng thực hiện chưa tốt. Quan trắc cảnh báo là vấn đề rất quan trọng, mục đích là phòng xa, ngăn ngừa, không để “có bệnh rồi mới chữa”, nhiều tỉnh còn coi nhẹ.

Kết quả kiểm tra các chế phẩm sinh học có tỉnh 50 - 60% mẫu không đạt yêu cầu, có tỉnh 80 - 90% không đạt yêu cầu. Kiểm tra 60 mẫu tôm giống có 68% số mẫu kiểm tra có mầm bệnh EMS (bệnh hoại tử gan tụy); 20% mẫu kiểm tra có mầm bệnh vi bào tử trùng (bệnh còi). Đây là kết quả rất đáng lo ngại nên các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra để hạn chế thiệt hại cho bà con nuôi tôm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những giải pháp cần thực hiện để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi tôm 2016 đạt hiệu quả cao. Theo đó, các địa phương cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Về quy hoạch: Các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Tuân thủ điều kiện sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nuôi trồng, tiêu thụ và chế biến.

2. Về quản lý con giống: Tiếp tục kiểm tra, truy xuất nguồn gốc tôm thẻ chân trắng bố mẹ tại các nước xuất khẩu vào Việt Nam; Các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ điều kiện và chất lượng tôm giống của các cơ sở sản xuất, kể cả tôm giống lưu thông trên thị trường.

3. Về kỹ thuật: - Phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung sử dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, giảm thiểu tối đa việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.


Nuôi tôm công nghiệp tại Sóc Trăng. (Ảnh: Hữu Đức)

- Bám sát lịch thời vụ, lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; thực hiện gièo giống (20 - 30 ngày) trước khi thả; thả giống ở thời điểm nhiệt độ nước dưới 30 độ C (sáng sớm hoặc chiều mát); mật độ nuôi hợp lý (tôm thẻ 40 - 60 con/m2; tôm sú 10 - 15 con/m2). Độ mặn khi thả tôm giống tốt nhất là từ 15 - 20 phần nghìn, nếu độ mặn cao trên 30 phần nghìn rất dễ xẩy ra dịch bệnh.

- Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý nước, không sử dụng thuốc kháng sinh để phòng bệnh.

4. Về phòng trị bệnh: Đẩy mạnh công tác quan trắc cảnh báo môi trường, phòng trừ dịch bệnh, thực hiện tốt "3 không": Không giấu dịch; không xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; xử lý tôm chết, tôm bệnh đúng quy định.

5. Về thức ăn và chất xử lý cải tạo môi trường: Tổ chức giám sát chất lượng thức ăn từ khâu sản xuất đến sử dụng tại cơ sở nuôi, kể cả thức ăn nhập khẩu; Tăng cường kiểm tra phân tích mẫu (thức ăn và chất xử lý cải tạo môi trường…) để loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm không có trong danh mục và xử lý nghiêm theo quy định, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở sản xuất và bán sản phẩm gian dối gây thiệt hại cho người dùng.

 

6. Về khoa học công nghệ và khuyến ngư: Tiếp tục nghiên cứu để có biện pháp phòng trị hữu hiệu bệnh mới phát sinh như bệnh vi bào tử trùng; hệ số sử dụng thức ăn phù hợp, chất lượng con giống… Xây dựng mô hình phát triển tôm lúa, tôm rừng, áp dụng rộng rãi Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả cao và bền vững.  

Theo Th.S KIM VĂN TIÊU (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 151
Tổng truy cập: 38842163