Nuôi tôm hùm tự phát (19/12/2015)

Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên được hình thành từ năm 1990 tại đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) với khoảng 200 lồng.


Hiện giá tôm hùm xuống thấp khiến người nuôi lo lắng.

Do lợi nhuận kinh tế cao, người dân mở rộng lồng nuôi tăng dần theo hàng năm.

Đến nay, toàn tỉnh có 29.756 lồng, trong đó TX Sông Cầu, vùng nuôi lớn nhất (hơn 19.000 lồng) với gần 1.000 bè, sản lượng 640 tấn/năm.

Ông Trần Văn Nghịch có thâm niên nuôi tôm hùm ở phường Xuân Thành (TX Sông Cầu) cho biết, để tôm hùm đạt trọng lượng thu hoạch, phải nuôi từ 14-24 tháng.

Mùa vụ ương tôm hùm giống từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, thời gian ương nuôi từ 3-5 tháng; nguồn giống chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Những năm gần đây tôm giống khan hiếm, mỗi con tôm hùm con (loại tôm trắng) có giá tới 350-400 nghìn đồng.

Hiện nay, nuôi tôm hùm thương phẩm chủ yếu bằng lồng với kích thước phổ biến 3x3x1,5m thả nuôi từ 30-50 con/lồng (trọng lượng từ 0,1-0,3 gr/con).

Hình thức nuôi găm (thả lồng cách đáy 0,5-1m) và nuôi bè (lồng nuôi treo trên bè cách mặt nước 2-3m, mỗi bè treo 5-10 lồng); thức ăn chủ yếu là các loài giáp xác và cá tạp.

Những năm qua nghề nuôi tôm phát triển tự phát nên bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, người nuôi thả với mật độ lồng cao (75 lồng/ha), trong khi theo quy định là 30-60 lồng/ha; mật độ thả nuôi tăng đến 100 con/lồng tức tăng gấp 2 lần so với quy định (50 con/lồng). Năm 2011, số lượng lồng nuôi lên đến 29.102 lồng.

Tuy số lồng và mật độ nuôi tăng cao nhưng công tác bảo vệ môi trường chưa được người dân chú trọng. Trong quá trình cho tôm ăn, thức ăn tươi sống dư thừa thải ra môi trường không được xử lý dẫn đến vùng nuôi bị quá tải, ngày càng ô nhiễm, hậu quả dịch bệnh trên tôm nuôi càng trầm trọng.


Nguồn giống tôm hùm rất khan hiếm

Theo đánh giá chất lượng môi trường nước tại các vùng nuôi tôm hùm tập trung ở Phú Yên của Trung tâm Quốc gia quan trắc môi trường và bệnh thuỷ sản khu vực miền Trung, hoạt động nuôi lồng trên biển đã làm tăng thêm lớp trầm tích chất thải dày khoảng 3-5 cm, làm xấu đi môi trường tại những khu vực này.

Vì vậy tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Năm 2011 có 4.947 lồng tôm nuôi bị bệnh, chiếm 17% số lồng thả nuôi; năm 2012 có 7.947 lồng tôm nuôi bị bệnh, chiếm 33% số lồng thả nuôi và năm 2013 có 3.388 lồng tôm nuôi bị bệnh, chiếm 15% số lồng thả nuôi.

Những tháng đầu năm 2015, tỷ lệ tôm hùm nhiễm bệnh sữa, sữa đỏ là khá cao, khoảng từ 25-30% ở các khu vực nuôi đã gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm đồng thời bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định số 748/QĐ-UBND ngày 13/5/2013 về việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2001-2010 và định hướng đến năm 2020; trong đó có quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm lồng thương phẩm đến năm 2020.

Theo quy hoạch, diện tích mặt nước biển nuôi trồng thủy sản là 1.650 ha, tăng 700 ha để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế biển đảo, trong đó số lượng lồng nuôi tôm hùm hằng năm trên địa bàn tỉnh khoảng 18.100 lồng và các đối tượng cá biển khác là 22.000 lồng.

Trong đó, duy trì ổn định sản lượng tôm hùm nuôi bằng lồng trong vùng nuôi truyền thống (vịnh kín); tổ chức lại SX, nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, môi trường và dịch bệnh.

Đầu tư về KH- CN để xây dựng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ phục vụ ương nuôi giống nhân tạo, thức ăn tươi gia công và thức ăn công nghiệp, công nghệ nuôi thương phẩm và chế biến sản phẩm tôm hùm.

Cũng theo ông Tùng, bước đầu hoàn thành công tác khảo sát, lập và phê duyệt hồ sơ phân vùng mặt nước biển; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp lồng, bè nuôi phù hợp với phương án được duyệt và xây dựng quy chế quản lý vùng nuôi để triển khai thực hiện.

Theo KIM SƠ (nongngiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 278
Tổng truy cập: 37012987