Đảm bảo an toàn thực phẩm cho thủy sản nuôi (12/09/2023)

Để tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nuôi, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc lưu thông, mua bán, sử dụng chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

 Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc lưu thông, mua bán, sử dụng chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản (Ảnh minh họa: B.T)

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm thủy sản nuôi được triển khai qua các khâu từ nuôi trồng; thu hoạch, vận chuyển; chế biến và tiêu thụ. Trong đó, hai mặt hàng chủ lực của thủy sản nuôi rất được quan tâm trong công tác này, đó là cá tra và tôm.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, trong 8 tháng năm 2023, số lô hàng cá tra xuất khẩu bị cảnh báo giảm so với cùng kỳ năm 2022; 8 tháng năm 2023, có 10 lô hàng cá tra bị cảnh báo, trong đó 4 mẫu cảnh báo chỉ tiêu chất lượng, 4 mẫu cảnh báo vi sinh, 2 mẫu cảnh báo nhãn sản phẩm và sai thông tin. Các cảnh báo nhiều ở hai thị trường gồm Bra-xin và Nga.

Với mặt hàng tôm, số lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo trong 8 tháng năm 2023 tăng 92% so với cùng kỳ năm 2022 (8 tháng năm 2023 có 25 lô cảnh báo; 8 tháng năm 2022 có 13 lô cảnh báo). Với 25 lô hàng bị cảnh báo, trong đó, có 20 lô bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh; 4 lô cảnh báo chỉ tiêu bệnh thủy sản; 1 lô chỉ tiêu vi sinh. Các lô hàng tôm cảnh báo nhiều ở các thị trường Nhật Bản (12 lô); EU (7 lô); Úc (4 lô); Hàn Quốc (2 lô).

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, để tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nuôi, trong đó có cá tra và tôm, cần chú ý trong từng khâu sản xuất.

Cụ thể, đối với khâu nuôi, cần thúc đẩy phát triển vùng nuôi; đầu tư công nghệ nuôi hiện đại, năng suất để hoàn thiện kiểm soát chuỗi từ sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi. Trong đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi cá tra an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và có trách nhiệm, bền vững như: VietGAP, ASC, MSC, GlobalGAP,…

Các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương rà soát, cấp mã số nhận diện ao nuôi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc lưu thông, mua bán, sử dụng chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tổ chức giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản nuôi để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả.

Đối với công đoạn chế biến, tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, rà soát các chương trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo HACCP, đặc biệt là chế độ tự kiểm tra, thẩm tra của doanh nghiệp đối với các cơ sở cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho việc chế biến, xuất khẩu. Thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định thị trường (thiết lập điều kiện cơ sở sản xuất ban đầu, tiêu chuẩn nguyên liệu, kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm). Đồng thời, chủ động nghiên cứu, nắm bắt rõ các thủ tục, cập nhật quy định của các thị trường để giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu./.

Theo B.T/ dangcongsan.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 153
Tổng truy cập: 37055579