Nơi đưa nuôi biển Việt Nam lên tầm cao mới (20/10/2020)

5 năm qua, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 - RIA1 đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu và triển khai các mô hình nuôi biển công nghệ cao, quy mô công nghiệp.


Cá chim vây vàng RIA1 nuôi tại lồng trên vịnh Vân Phong - Khánh Hòa theo chuẩn VietGAP.

Nâng tầm nuôi biển

Với chiến lược của Nhà nước, của ngành NN-PTNT, tập trung vào phát triển nuôi biển, RIA1 đã tập trung vào nghiên cứu các đối tượng nuôi biển có giá trị cao, đối tượng nuôi chủ lực như cá chim vây vàng, cá song chuột, cá song vua, cá nhụ 4 râu, cá giò, cá chim, cá vược, cá hồng Mỹ, tôm thẻ chân trắng, và nhuyễn thể (ngao, hầu) từ lĩnh vực sản xuất giống đến nuôi thương phẩm.

Ngoài ra, RIA1 cũng tập trung vào nghiên cứu thức ăn của nguồn tôm/cá bố mẹ và thức ăn một số đối tượng chủ lực phục vụ cho công tác sản xuất giống an toàn sinh học và nuôi quy mô công nghiệp một số đối tượng nuôi biển.

Bên cạnh công tác nghiên cứu, RIA1 cũng xây dựng thành công mô hình nuôi biển công nghệ cao quy mô công nghiệp, thông qua Dự án NORAD, pha 3 “Nâng cao năng lực nghề nuôi cá biển” (giai đoạn 2012 - 2016) và Dự án FIRST “Hiện đại hóa công nghệ sản xuất cá biển quy mô công nghiệp ở Việt Nam nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm” (giai đoạn 2017 - 2019).

Năm 2016, khởi điểm là “Trang trại trình diễn và tập huấn kỹ thuật về nuôi cá biển quy mô công nghiệp” thuộc Dự án “Nâng cao năng lực nghề nuôi cá biển” (hợp phần 3, Dự án NORAD). Trong quá trình hoạt động, Trang trại đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn VietGAP cho nuôi cá biển khép kín quy mô công nghiệp với sản lượng hơn 200 tấn/năm đầu tiên ở Việt Nam.

Cụ thể, về công nghệ lồng, RIA1 đã chủ động công nghệ sản xuất lồng nhựa HDPE từ nguyên liệu nhựa trong nước, có giá thấp hơn 30% - 40% giá nhập khẩu, bảm bảo độ chắc chắn, chống chịu sóng gió cấp 11 - 12. Trên thực tế đã chịu được tâm bão Damrey năm 2017 đi qua khu lồng với sức gió mạnh nhất cấp 12 và giật cấp 15.

Để chủ động về con giống, RIA1 đã làm chủ được chủ công nghệ sản xuất và ương nuôi các đối tượng cá biển chủ lực (cá chim, cá giò, cá hồng Mỹ…) để cung cấp cho hoạt động nuôi thương phẩm của trang trại và phục vụ nhu cầu của người dân. Cá chim giống nhỏ (kích cỡ 2 - 3 cm/con) được vận chuyển ra ương ở lồng vuông để ương đến kích cỡ 8 - 10 cm trước khi thả ra lồng tròn để nuôi thương phẩm. Tỷ lệ sống là 75% và thời gian ương là 1 - 1,5 tháng.

Với những yếu tố trên, từ năm 2016, Trang trại được công nhận đạt chứng nhận VietGAP trong việc nuôi cá biển quy mô công nghiệp với sản lượng hơn 200 tấn/năm đầu tiên tại Việt Nam.

Sản lượng cá chim vây vàng nuôi công nghiệp ngày càng đạt hiệu quả cao, tăng dần theo từng năm từ 80 - 100 tấn/năm (2016) lên hơn 200 tấn/năm (2019) với tỷ lệ sống trung bình đạt 85%, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội cho ngành, cho người dân địa phương trên cả nước.

Ví dụ, đối với 1 lồng tròn (chu vi 60 m, thể tích 2.400 m3), số lượng thả 35.000 con/lồng, sản lượng đạt 20 - 25 tấn/lồng/vụ (8 - 10 tháng) tùy thuộc vào kích cỡ thu hoạch theo nhu cầu của thị trường. Ngoài sản lượng cá chim vây vàng thương phẩm nói trên, trang trại còn có nuôi một số vụ cá giò, cá nhụ 4 râu. Tổng sản lượng cá giò năm 2015 là 8,3 tấn và năm 2016 là 20 tấn.

Trang trại của RIA1 trở thành điểm tham quan học tập của người dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ước tính cho đến nay có hơn 145 học viên và hơn 400 công nhân, cán bộ quản lý và các nhà đầu tư trong và ngoài nước về thuỷ sản đã đến tham quan và học tập tại Trang trại.

Từ đó, góp phần đào tạo, tập huấn 11 lớp tập huấn ngắn và dài hạn cho các học viên là ngư dân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý trong nước và quốc tế như Ấn Độ, Myanmar và Nam Phi. Hiện tại, RIA1 đã chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho 3 doanh nghiệp nuôi cá biển công nghiệp tại Khánh Hòa, Kiên Giang và Quảng Ninh. Ngoài ra, RIA1 dự kiến sẽ chuyển giao công nghệ cho Hải đoàn 129 Quân chủng Hải quân để nuôi cá lồng biển quy mô công nghiệp tại Trường Sa.

Với những kết quả đạt được trong lĩnh vực nuôi biển quy mô công nghiệp, Viện đã vinh dự được các Đoàn công tác của Bộ trưởng và các thứ trưởng Bộ NN-PTNT đến thăm và làm việc.

Các lãnh đạo đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Viện trong năm qua, khuyến khích Viện đổi mới sáng tạo và chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm khoa học và đồng ý với chủ trương Viện thành lập Trung tâm chuyển giao nuôi biển công nghệ cao.


Cá chiên giống được nuôi tại trụ sở chính của RIA1 ở Bắc Ninh.

Phát triển các loại đặc sản

Ngoài nuôi biển, các đối tượng nuôi truyền thống và đặc sản vẫn đã và đang là những đối tượng nuôi chính, phổ biến, mang lại thu nhập chính cho người dân địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng không có tiềm năng cho nuôi thủy sản mặn, lợ.

Vì vậy, RIA1 đang tiếp tục tập trung vào nghiên cứu, cho sinh sản nhân tạo các đối tượng truyền thống: rô phi, chép, trắm cỏ, cá bỗng để nâng cao chất lượng con giống cung cấp ra thị trường và mở rộng nghiên cứu các đối tượng nuôi đặc sản như cá chạch sông, cá chiên, cá anh vũ, cá nheo...

Năm 2018 – 2019, RIA1 triển khai chương trình giống gốc cung cấp hàng triệu nguồn giống chất lượng cao cho các trang trại/cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm các đối tượng cá nuôi truyền thống và thủy đặc sản như cá lăng chấm, cá nheo Mỹ, cá bỗng, cá chiên, cá chạch sông, cá chép chọn giống V1 và cá chim vây vàng.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, RIA1 đã chủ động mở rộng hợp tác, chuyển giao công nghệ các kết quả nghiên cứu các đối tượng nuôi truyền thống và đặc sản cho các cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản ở các địa phương như Bắc Ninh, Nam Định, Bắc Giang, Hòa Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Điện Biên, Hòa Bình...

Cũng trong khoảng thời gian này, RIA1 thực hiện định hướng phát triển nuôi cá nước lạnh và nuôi thủy đặc sản tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc của “Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản” thông qua việc tiếp tục đa dạng hóa các đối tượng nuôi của thủy vực này, tập trung vào nghiên cứu và phát triển cá trắng, cá tầm Siberia...

Những kết quả nghiên cứu các đối tượng nuôi thủy sản nước lạnh của Viện đã góp phần nâng cao năng lực của Viện trong lĩnh vực sản xuất giống cá nước lạnh, sản phẩm cá giống của Viện đã cung cấp cho các vùng có lợi thế nuôi trồng thủy sản nước lạnh của tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Lâm Đồng... góp phần xóa đói giảm nghèo, phục vụ Chương trình nông thôn miền núi.

Trước đó, RIA1 là đơn vị đầu tiên đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá hồi vân dưới sự hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia quốc tế Phần Lan từ những năm 2005 - 2010. Việc sản xuất và nuôi thương phẩm cá hồi vân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế địa phương của tỉnh vùng núi phái Bắc, điển hình như tỉnh Lào Cai, được địa phương đánh giá rất tốt.

Nghề nuôi cá nước lạnh đã và đang làm thay đổi sinh kế khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Chỉ tính riêng khu vực Sa Pa, tỉnh Lào Cao, năm 2019, có khoảng 500 hộ nuôi cá hồi, góp phần làm phong phú ẩm thực du lịch của địa phương.

Hiện nay, RIA1 vẫn đang triển khai dự án ICI “Hệ thống kiểm soát chất lượng tự nguyện cho chuỗi thực phẩm cá nước lạnh bền vững” (giai đoạn 2019-2021) hỗ trợ bởi chính phủ Phần Lan để tiếp tục nghiên cứu theo chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn, góp phần phát triển nghề nuôi cá nước lạnh bền vững ở nước ta.

Theo TÙNG ĐINH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 409
Tổng truy cập: 37024061