Khắc phục vi phạm trong ngành cá tra (20/02/2020)

Sản phẩm cá tra thời gian qua đã nâng cao được chất lượng an toàn thực phẩm, tuy nhiên vẫn còn những vi phạm cần khắc phục.

Cá tra năm 2019 xuất khẩu đi 132 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có yêu cầu nghiêm ngặt về việc cơ quan thẩm quyền Việt Nam lập danh sách cơ sở chế biến xuất khẩu và cấp chứng nhận an toàn thực phẩm.


Cá tra năm 2019 xuất khẩu đi 132 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có yêu cầu nghiêm ngặt về việc cơ quan thẩm quyền Việt Nam lập danh sách cơ sở chế biến xuất khẩu và cấp chứng nhận
an toàn thực phẩm.

Kế hoạch từ ngày 2 - 13/3, Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ thanh tra lần thứ hai để đánh giá việc duy trì hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá tra Việt Nam xuất vào Mỹ đáp ứng các tiêu chuẩn Mỹ.

Tiến bộ và vi phạm

Ở công đoạn nuôi, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, 4.860 ao được cấp mã số nhận diện, 100% diện tích 6.600 ha nuôi được kiểm soát an toàn thực phẩm, trong đó 70% diện tích đạt chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP, Naturland, BAP, ASC...). Tổng cục tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm các cơ sở nuôi cũng như việc mua bán, sử dụng chế phẩm xử lý cải tạo môi trường; sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá.

Để kiểm soát nguồn nguyên liệu an toàn cho người tiêu dùng, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản được giao thực hiện Chương trình giám sát quốc gia dư lượng các chất độc hại trong cá tra.

Phạm vi giám sát gồm 34 vùng nuôi cá tra thương phẩm ở 11 địa phương Nam bộ (Tây Ninh, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Long An). Chương trình năm 2019  phát hiện 15 trường hợp/897 mẫu cá tra (1,67%) vi phạm, giảm so với các năm gần đây, như năm 2018 là 26 trường hợp/1.028 mẫu cá tra (2,53%).

Tại các cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm 2019, có 81 lượt cơ sở đạt hạng 1 và 2 (83,51%); 15 lượt cơ sở hạng 3 (15,46%) và 1 lượt cơ sở hạng 4 (1,03%). Kết quả cho thấy các cơ sở cơ bản duy trì điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất sản phẩm cá tra.

Nhờ đó, năm 2019 cá tra đã xuất khẩu đi 132 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có yêu cầu nghiêm ngặt về việc cơ quan thẩm quyền Việt Nam lập danh sách cơ sở chế biến xuất khẩu và cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Tổng khối lượng các sản phẩm cá tra xuất khẩu được kiểm tra và cấp chứng thư năm 2019 là 36.656 lô (tăng 71,7% so với năm 2018 chỉ 21.350 lô).

Qua đó phát hiện 65/6.004 lô vi phạm về an toàn thực phẩm, tỷ lệ vi phạm 1,08%. “Các chỉ tiêu vi phạm chủ yếu về hóa chất kháng sinh cấm như CAP, Enrofloxacin, Ciprofloxacin; vi sinh vật gây bệnh như E.Coli, Salmonella”, báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Trong năm 2019, các thị trường chính của cá tra Việt Nam cũng cảnh báo 15 lô hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm đáng kể so với những năm gần đây. Trong đó, thị trường EU cảnh báo 11 lô, Mỹ 2 lô, Liên minh Kinh tế Á - Âu 2 lô.

“Các chỉ tiêu vi phạm chủ yếu bao gồm hóa chất kháng sinh cấm như Ofloxacin, Chlorate, BKC, Crystal Violet, Fipronil; vi sinh vật như TPC, Listeria Monocytogenes. Ngoài ra, một số lô hàng không đảm bảo các quy định về ghi nhãn, cảm quan, ngoại quan”, báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Tập trung khắc phục

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Ngô Hồng Phong cho biết, nếu như FSIS kiểm tra lần thứ nhất vào tháng 5/2018 tập trung ở các nhà máy chế biến thì lần này có khả năng tập trung tại công đoạn nuôi cá tra.

“Theo thông tin của chuyên gia tư vấn Mỹ, đoàn FSIS có thể sẽ xem kỹ các hồ sơ liên quan đến sử dụng phụ gia gây tăng trọng cá vì nghi ngờ mức tăng trọng sản phẩm có thể cao hơn mức hiện đang được ghi trên thùng sản phẩm.

Ngoài ra, trong quá trình thanh tra năm 2018, phía FSIS không có nhiều thời gian tập trung vào thanh tra, đánh giá tại công đoạn nuôi cá tra, việc sử dụng thuốc thú y tại cơ sở nuôi nên có khả năng cao là họ sẽ tập trung kỹ hơn tại đợt thanh tra tháng 3/2020”, ông Phong nói.

Hồi tháng 5/2018, FISIS có lưu ý doanh nghiệp chế biến xuất khẩu duy trì tốt điều kiện vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị và cập nhật theo chương trình quản lý chất lượng phù hợp, đợt này các doanh nghiệp cần hoàn thiện việc khắc phục. Đối với các doanh nghiệp có lô hàng bị FSIS cảnh báo, cần lưu trữ đầy đủ hồ sơ báo cáo điều tra nguyên nhân, kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục và các bằng chứng cụ thể để chứng minh.

Những việc cụ thể doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần chấn chỉnh, theo Bộ NN-PTNT là nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ cần liên tục được duy trì ở điều kiện vệ sinh tốt, đặc biệt là các chi tiết bên trong thiết bị (các đường ống, bề mặt tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm…).

Chương trình quản lý chất lượng theo HACCP cần được nghiên cứu chuyển đổi phù hợp với các hướng dẫn liên tục được cập nhật của FSIS (trước đây các doanh nghiệp vẫn áp dụng theo HACCP của FDA) và phải phù hợp với thực tế sản xuất tại nhà máy.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề xuất những nội dung cần làm để nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường Mỹ mà còn nhiều thị trường khác.

Với doanh nghiệp cần “tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm sản xuất sản phẩm cá tra. Chấp hành nghiêm túc các quy định về sử dụng phụ gia, hàm lượng nước, tỷ lệ mạ băng”.

Còn với Sở NN-PTNT các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang và TP Cần Thơ cần “hỗ trợ các cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu kết nối, xây dựng các vùng nguyên liệu, trên cơ sở đó nhân rộng các chuỗi cung ứng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa”.

Chương trình thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ ban hành tháng 3/2016, nhằm thực hiện Đạo luật Nông nghiệp Mỹ 2014, yêu cầu cá da trơn của các nước (với Việt Nam chủ yếu là cá tra) xuất vào Mỹ phải tổ chức hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm tương đương với Mỹ; gồm toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống, nuôi, vận chuyển, sơ chế, chế biến, xuất khẩu.

Sau lần thanh tra đầu vào tháng 5/2018, ngày 31/10/2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá tra Việt Nam xuất sang Mỹ. Tuy nhiên, lần đó FSIS cũng chỉ ra một số lỗi cần khắc phục và thanh tra lần này kiểm tra việc khắc phục cũng như duy trì hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm.

Theo SÁU NGHỆ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 183
Tổng truy cập: 37043037