Nuôi cá tầm giữa lòng hồ thủy điện Sơn La (05/08/2019)

Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, huyện Mường La (Sơn La) triển khai mô hình nuôi cá tầm quy với quy mô 183 lồng bè. Mỗi năm, tại đây cung ứng ra thị trường từ khoảng 50 tấn cá thương phẩm.

Doanh nghiệp tiên phong

Đơn vị tiên phong trong nghề nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La là Cty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam – Sơn La. Điểm nuôi chín đặt tại bản Lả Mường, xã Mường Trai, huyện Mường La với diện tích trên 2 ha mặt nước. Đây là khu vực không nằm trong dòng chảy chính của sông Đà, điều kiện giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện đúng quy trình nuôi, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.


Chăm sóc cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La

Bà Hà Thu Huyền, phụ trách doanh nghiệp này cho biết, giống cá tầm nuôi tại đây chủ yếu được nhập khẩu từ Nga như cá tầm Belgula; cá tầm Nga; Cá Le Bao; Lô Rô; Si Ri; RK; SK...

Ngoài việc nuôi cá tầm thương phẩm, tại đây, đàn cá bố mẹ cũng được nuôi dưỡng phát triển sinh sản. Về lâu dài, doanh nghiệp sẽ tự chủ một phần nguồn giống để sản xuất.

Cá tầm thương phẩm được nuôi trong các lồng lưới sắt nổi trên sông với độ sâu từ  4 – 6 mét. Trại cá dùng lưới vây lòng hồ để tận dụng các ưu điểm của môi trường nước tự nhiên. Mật độ được duy trì theo từng kích cỡ cá, vì thế kỹ thuật viên thường phải sàng lọc để điều chỉnh cả thức ăn lẫn chế độ chăm sóc. Để cá tầm khỏe mạnh, các kỹ thuật viên nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp phối trộn với cá mương, cá biển xay nhuyễn, tuân thủ chặt chẽ theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Từ cuối năm 2016, doanh nghiệp này đã bán cá tầm thương phẩm ra thị trường. Trong đó, năm 2017 xuất bán được 50 tấn cá thu về trên 11 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm 2018 xuất bán được 30 tấn cá. Hiện các sản phẩm cá Tầm Sơn La chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh Sơn La và các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình và Hà Nội. Sản lượng cá tầm trung bình hằng năm đạt khoảng 500 tấn/năm. Doanh nghiệp đang xúc tiến mở rộng thị trường tại Hà Nội và các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa.

Theo bà Huyền, trong chiến lược phát triển, doanh nghiệp đã và đang gắn việc xây các mô hình nuôi cá tầm với phát triển du lịch lòng hồ, phục vụ khách tham quan, du lịch. Đồng thời là điểm chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phậ­­­n người dân tái định cư thủy điện Sơn La.

Doanh nghiệp đã và đang tạo việc làm cho 12 lao động là người dân địa phương. Người lao động có mức thu nhập từ 4 – 7 triệu đồng/tháng, cùng với bảo đảm các chế độ bảo hiểm và tiền thưởng vào những dịp lễ, tết.

Ông Nguyễn Ngọc Lan, Quản đốc phụ trách nuôi trồng thủy sản khẳng định, môi trường lòng hồ thủy điện tại đây hoàn toàn phù hợp với con cá tầm. Tuy nhiên, đằng sau đó, công tác bảo vệ môi trường càng phải được quan tâm. Từ khâu vệ sinh vùng nuôi, cho tới lựa chọn thức ăn cho cá, xử lý chất thải để phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật. Bởi nếu xảy ra ô nhiễm, vùng nuôi cá sẽ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng dài lâu tới môi trường, cảnh quan vùng lòng hồ.

Anh Bùi Anh Hưng, nhà phân phối chính thức của doanh nghiệp này cho biết, để giới thiệu sản phẩm cá tầm sạch Sơn La đến người tiêu dùng, anh mở một cửa hàng tại thành phố Sơn La phân phối cá đi các huyện trên địa bàn tỉnh. Các đại lý tiêu thụ cá tầm của anh đều đã có mặt dọc trục Quốc lộ 6 gồm các huyện: Mai Sơn, Mộc Châu và thành phố Sơn La. Trung bình mỗi tháng, nhà hàng và các đại lý của anh Hưng tiêu thụ khoảng 7 tấn cá tầm.

Sản phẩm cá tầm nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La hiện đã được Trung tâm chuyển giao công nghiệp và dịch vụ thủy sản Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào tháng 10/2017.Mỗi con cá tầm sau khi xuất bán đều được công ty gắn mã truy xuất nguồn gốc. Khách hàng có thể quét mã sản phẩm qua các ứng dụng điện thoại thông minh. Theo đó, các thẻ mã số đi kèm sản phẩm cá tầm của công ty sẽ giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý kiểm soát dễ dàng, biết chính xác lô hàng đó có địa điểm nuôi ở đâu, giống cá, đơn vị nuôi, ngày bắt đầu nuôi.


Đàn cá tầm bố mẹ đang được nuôi tại lòng hồ.

Hiện nay, cá tầm Sơn La đang được bán với mức giá từ 220 – 400 nghìn đồng/kg tùy vào trọng lượng từng loại. 

Nâng cao đời sống người dân

Ông Lò Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Trai cho biết, từ mô hình nuôi cá tầm của doanh nghiệp kể trên, nhiều hộ dân đã và đang học hỏi phát triển nghề nuôi cá nước ngọt.

Hiện nay, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đang cho thấy những hiệu quả nhất định, đem lại thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân xã Mường Trai. Chính bởi vậy, việc gắn phát triển nuôi cá lồng với bảo vệ môi trường mặt nước vùng nuôi đang được địa phương hết sức quan tâm.

Đến nay, xã Mường Trai có 67 hộ dân, 1 HTX và 1 tổ hợp tác nuôi cá lồng đang hoạt động, với tổng số 230 lồng cá. Ngoài các loại cá giống địa phương hiện được nuôi nhiều như: trắm, chép, rô phi... các hộ nuôi cá cũng đang phát triển nuôi thêm các loại cá đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như cá lăng, chày, quất, nheo.

Gia đình anh Lường Văn Thủy, bản Cang Mường, xã Mường Trai hiện có 8 lồng nuôi cá, chủ yếu là các giống như: quất, ngạch, trắm đen… Mỗi năm, gia đình anh Thủy bán ra thị trường từ 4 – 5 tấn cá thành phẩm.

Do là cá đặc sản, thêm vào đó là được chăm sóc đúng kỹ thuật, tận dụng được nguồn thức ăn phong phú, đa dạng tại địa phương nên giá bán cũng cao hơn hẳn so với các loại khác. Nghề nuôi cá mang lại thu nhập cho gia đình anh mỗi năm trên dưới 250 triệu đồng.

Theo KẾ TOẠI (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 192
Tổng truy cập: 39558723