Đáng nể trang trại nông nghiệp thông minh và làm du lịch độc đáo (04/05/2018)

Nói tới những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất ở Lâm Đồng, không thể không kể tên Cty TNHH Trang trại Langbiang (Langbiang Farm) ở TP Đà Lạt.

Không chỉ làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, Langbiang Farm còn đang mạnh dạn đầu tư làm mô hình du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp và độc đáo. 

Từ công nghệ cao đến ứng dụng IoT

Ông Trần Huy Đường, Giám đốc Cty Langbiang Farm, là một người khá đặc biệt. 15 năm trước, khi đang làm trưởng phòng ở Bưu điện Lâm Đồng, ông quyết định xin nghỉ hưu sớm để làm trang trại. Trong suy nghĩ của người đời khi ấy, đó là một quyết định điên rồ. Bởi hồi đó, làm việc trong ngành bưu chính viễn thông là ước mơ của khối người. Vị trí trưởng phòng như ông Đường, mỗi tháng thu nhập mười mấy triệu đồng, cũng là khoản thu nhập lớn lúc bấy giờ. Thường những người đang ở vị trí ấy, chẳng ai “dại dột” rời bỏ để đi khởi nghiệp bằng nông nghiệp vốn vất vả, nhiều bất trắc, rủi ro…


Một gócvườn rau đẹp mắt trong Green Box

Chỉ có niềm đam mê với nông nghiệp mới khiến ông Đường đưa ra quyết định đó. Trước khi xin nghỉ hưu sớm, ông đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi, làm nông trên mảnh vườn của gia đình. Từ niềm đam mê trồng trọt, ông Đường đã nhận thấy được khả năng làm giàu từ trang trại nếu có một hướng đi đúng đắn và quyết tâm đầu tư bài bản. Nhưng muốn thành công từ nông nghiệp, không thể làm tay ngang mà phải đầu tư toàn bộ thời gian, công sức, trí tuệ vào đấy.

Ngay sau khi về hưu sớm, ông Đường đã thành lập Langbiang Farm, chuyên sản xuất giống hoa, hoa thương phẩm, giá thể trồng hoa, rau quả an toàn… Sau 15 năm hoạt động, đến nay, công ty của ông Đường đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường rau, hoa Đà Lạt. Hiện công ty có 2 trang trại. 1 trang trại 7ha ở Đà Lạt, chuyên trồng hoa với các sản phẩm chủ lực là cẩm chướng, layơn, cúc nhật… Trang trại còn lại của công ty nằm ở huyện Lạc Dương, có diện tích 20ha, chuyên sản xuất dâu tây, rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất thủy canh… Ngoài ra, ở trang trại 20ha này còn sản xuất giá thể và phân bón phục vụ cho sản xuất của các trang trại trong công ty và cung cấp cho nhiều hộ nông dân trong vùng.

Với 2 trang trại trên, mỗi năm ông Đường có doanh thu lớn từ sản xuất nông nghiệp. Chỉ riêng trang trại chuyên trồng hoa, bình quân mỗi năm, mỗi ha đang cho doanh thu rất ấn tượng từ 4 - 7 tỷ đồng. Tổng doanh thu của công ty hiện vào khoảng 40 - 50 tỷ đồng/năm. Trong đó, lợi nhuận đạt từ 15 - 25%. Với thành công lớn từ trang trại, ông Đường đã chứng minh rằng quyết định nghỉ hưu sớm để làm nông nghiệp 15 năm trước là một quyết định sáng suốt, không hề điên rồ chút nào.

Thành công của ông Đường, có nguyên nhân quan trọng từ việc ông đã sớm áp dụng các công nghệ cao vào sản xuất. Phần lớn những công nghệ cao hiện có tại Lâm Đồng, đều đã được ông sớm áp dụng vào các trang trại của mình như trồng rau thủy canh, trồng rau khí canh, autopot (hệ thống canh tác thủy canh cho phép phân phối nước và dinh dưỡng tự động theo nhu cầu của cây)… Chính vì vậy, Cty TNHH Trang trại Langbiang đã được Bộ NN-PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Không dừng lại ở đó, gần đây, ông Đường đã mạnh dạn áp dụng một số công nghệ thông minh vào trang trại của mình, điển hình là công nghệ IoT (mạng lưới thiết bị kết nối Internet). Theo đó, trong vườn sử dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động qua mạng Internet trong suốt quá trình sản xuất. Công nghệ này giúp cải thiện khí hậu trong nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất… Hiện Langbiang Farm đang được coi là một trong những cơ sở tiêu biểu về ứng dụng IoT vào sản xuất ở Lâm Đồng. 

Du lịch nông nghiệp độc đáo

Ngoài sản xuất NNCNC, công nghệ thông minh, ông Đường còn đang đầu tư phát triển mô hình du lịch nông nghiệp một cách chuyên nghiệp. Ông nảy sinh ra ý tưởng này khi nhận thấy các mô hình du lịch nông nghiệp ở Đà Lạt đang khá tự phát nên có nhiều khiếm khuyết. Các trang trại kết hợp du lịch còn rất thiếu về những cơ sở hạ tầng, dịch vụ cần thiết để tạo sự thuận tiện, thoải mái cho du khách. Trong khi đó, nhu cầu tham quan các trang trại của người dân sở tại và du khách khi đến là không nhỏ.


Vườn hoa cẩm chướng của Langbiang Farm

Nhằm tạo sự thuận tiện nhất cho du khách, ông Đường cho cải tạo một nhà kính chuyên sản xuất rau an toàn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP Đà Lạt), thành một quán cà phê kết hợp du lịch nông nghiệp, với tên gọi Green Box. Đây là quán cà phê với thiết kế thân thiện, độc đáo, mang đậm nét của một trang trại Đà Lạt. Ngay từ lối đi vào quán, đã được trang trí bằng những dây cà chua leo dàn, lúc lỉu quả vàng, đỏ…

Trên những bàn gỗ uống cà phê, được trang trí không phải bằng những bình hoa mà là những bình thủy tinh trồng xà lách theo lối thủy canh. Không gian quán còn được bố trí những kệ gỗ mà trên đó là những cây rau khá đẹp mắt trồng trong từng chậu nhỏ theo kiểu thủy canh.

Nhưng điểm làm nên sự khác biệt lớn nhất của Green Box là một khu vườn nhỏ nằm kề sát ngay quán cà phê và có lối đi qua lại giữa 2 bên. Khu vườn vừa sản xuất, vừa mang tính trình diễn những mô hình sản xuất NNCNC như autopot, thủy canh, khí canh… Những loại cây trồng ở đây gồm cà chua bi, xà lách, dâu tây, lan hồ điệp, lan vũ nữ… Khách đến uống cà phê có thể dời chỗ ngồi của mình, đi vài bước là vào vườn, tha hồ xem tận mắt cảnh công nhân chăm sóc từng cây cà chua, chậu lan hồ điệp hay giàn dâu tây, xà lách trồng thủy canh. Ông Đường cho hay, những mô hình sản xuất NNCNC có rất nhiều ở Lâm Đồng. Nhưng muốn tới xem trực tiếp, du khách và người dân TP Đà Lạt phải đi xa. Vì thế, Green Box đã đáp ứng được nhu cầu muốn tham quan những mô hình sản xuất.

Dù mới đưa vào hoạt động hơn nửa năm, nhưng Green Box đang dần trở thành điểm đến ưa thích của nhiều người dân Đà Lạt và du khách. Đến đây, thực khách được đắm mình vào một không gian xanh, đầy sắc hoa và rau Đà Lạt, được thưởng thức những ly nước ép từ dâu tây, cà chua và các loại rau quả sạch khác do Langbiang Farm sản xuất, và nhất là được thấy tận mắt việc trồng rau, hoa công nghệ cao, an toàn là như thế nào. Ngoài ra, trong Green Box còn trưng bày những nông cụ từng gắn bó với nhà nông Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung, qua đó, giúp cho du khách, thực khách hiểu được phần nào nghề nông truyền thống ở mảnh đất này. Những du khách, thực khách, nhất là phụ nữ trẻ, có nhu cầu chụp ảnh đăng lên mạng xã hội hay làm lưu niệm, cũng thường tìm tới Green Box bởi thiết kế độc đáo và khung cảnh được trang trí rất lạ mắt, toàn bằng những cây rau.

Để tăng khả năng phục vụ du khách và người dân TP có nhu cầu du lịch nông nghiệp, ông Đường đang ấp ủ dự định liên kết với những hộ lân cận Green Box để cùng tổ chức lại vườn tược theo hướng phục vụ du lịch. Các vườn sẽ được đầu tư cơ sở hạt tầng sao cho có tính thẩm mỹ và thuận tiện, thoải mái đối với khách tới tham quan. Mỗi hộ sẽ trồng một loại cây chuyên đề. Các vườn liền lạc với nhau thành một khu trồng trọt quy mô lớn, trồng nhiều loại hoa, rau đặc trưng của Đà Lạt. Khi đã thành hình, khu du lịch trang trại này sẽ tổ chức bán vé cho khách tham quan và chia lại lợi nhuận cho từng chủ vườn.

Theo THANH SƠN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 127
Tổng truy cập: 36753488