Bình Thuận mong muốn xây dựng các Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao (22/11/2016)

Chiều ngày 21/11, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận do ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy dẫn đầu, đã làm việc với Bộ NN-PTNT về tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương này.

Thiếu vốn đầu tư

Ông Ngô Mai - Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết: Bình Thuận là “thủ phủ” của cả nước về sản xuất thanh long với khoảng 28.000ha. Đây cũng là trung tâm sản xuất tôm giống lớn tại phía Nam (với hơn 150ha sản xuất giống).

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến ở quy mô gia đình, doanh nghiệp và HTX như trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh ước tính đến nay chiếm khoảng 4% trong tổng giá trị sản phẩm của ngành.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hội đàm cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận

Hiện tại, tỉnh đã quy hoạch xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất thanh long với quy mô 52ha tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống thủy sản Chí Công với quy mô 154ha tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong.

Bởi vậy, tỉnh đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ về mặt kỹ thuật, xây dựng quy trình chuẩn về thâm canh cây thanh long; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm thanh long để có cơ sở quản lý chất lượng. Đồng thời, xây dựng mô hình thí điểm liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thanh long để nhân rộng ra toàn tỉnh.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), thông tin: Cả 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà tỉnh đề xuất đầu tư không nằm trong nội dung của Quyết định 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Bởi vậy, tỉnh cần hoàn thiện hồ sơ và xây dựng đề án cụ thể, phù hợp với các tiêu chí của Quyết định 575, từ đó Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, ngoài cây thanh long, Bình Thuận nên nghiên cứu phát triển các loại cây trồng khác để đa dạng thêm. Bộ sẽ giúp tỉnh thành lập một trung tâm nghiên cứu phát triển các loại trái cây.

Thứ trưởng cũng lưu ý, trong vòng 2 năm qua, Bình Thuận phát triển diện tích cây thanh long quá nóng. Dịch bệnh xuất hiện nhiều, đặc biệt là bệnh đốm nâu, đốm trắng. Chúng tôi đã làm quyết liệt và khống chế bước đầu. Bộ cũng đã có quy trình phòng trừ dịch bệnh.

Còn về việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thanh long, phục vụ xuất khẩu, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, nếu muốn xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm thanh long thì cần rất nhiều thời gian và công sức.

Trước mắt, UBND tỉnh Bình Thuận nên làm đầu mối để xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm thanh long của địa phương. Bộ NN-PTNT cam kết cấp kinh phí thực hiện đề tài và cử nhân lực cùng giúp tỉnh việc này ngay trong năm 2017.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hội đàm cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận

Về xây dựng mô hình thí điểm sản xuất thanh long theo chuỗi, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, các doanh nghiệp lớn nhập khẩu thanh long cũng đang muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam và nông dân để xây dựng vùng sản xuất, tiêu thụ thanh long. Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo Cục BVTV tiếp xúc với phía Trung Quốc để đẩy nhanh tiến trình hợp tác này. Và nếu được, Bình Thuận sẽ được chọn là địa phương đầu tiên làm thí điểm mô hình.

Xây dựng trung tâm tôm giống ứng dụng công nghệ cao

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bình Thuận là một trong những tỉnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản mạnh của cả nước. Đây cũng là địa phương được Bộ NN-PTNT đầu tư nhiều nhất. Trong đó có quỹ đầu tư khu sản xuất tôm giống Chí Công 100 tỷ, cảng cá Phan Thiết 160 tỷ và khu neo đậu Phú Quý 140 tỷ. Các dự án này đang trong quá trình triển khai. Bởi vậy, Bình Thuận cần phát huy thế mạnh của mình, ví dụ như các khu sản xuất giống tập trung (hiện nay 60% con giống cung cấp cho cả nước). Vì vậy, việc thành lập khu sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao hoàn toàn phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy sản rà soát, bổ sung nội dung thành lập Trung tâm giống công nghệ cao của Bình Thuận vào đề án Phát triển công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Bởi đó là vùng biển rất ổn định về độ mặn, độ sạch.

Với đề xuất đầu tư hình thành khu sản xuất cây trồng cạn ứng dụng công nghệ cao tại Bắc Bình (Bình Thuận) với quy mô khoảng 1.000ha, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhất trí về mặt chủ trương, đồng thời cử lực lượng cùng địa phương thực hiện các quy trình để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo MINH PHÚC (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 176
Tổng truy cập: 36974902