"Rau an toàn Mộc Châu" đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu (21/04/2016)

Sau gần 5 năm xây dựng vùng rau VietGAP với sự hỗ trợ của nhiều dự án, vừa qua, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu “Rau an toàn Mộc Châu" cho chủ sở hữu là UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.


Các DN phân phối tại Hà Nội tham quan các sản phẩm rau Mộc Châu tại Lễ công bố Nhãn hiệu “Rau an toàn Mộc Châu”

Với độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, Mộc Châu hiện đang được xem là “Đà Lạt mới nổi” của miền Bắc trong việc khai thác tiềm năng SX rau quả rất đa dạng các loại rau ôn đới như cà chua, cải bắp, su hào, súp lơ, cải mèo, rau ăn lá các loại…

Cùng với chính sách của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La, năm 2011, vùng rau Mộc Châu đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các chương trình, dự án phát triển rau theo VietGAP do các đơn vị của Bộ NN-PTNT thực hiện.

Đặc biệt, từ năm 2011 - 2016, vùng rau Mộc Châu từng bước khẳng định được vị thế liên kết ổn định trong SX và tiêu thụ, với sự hỗ trợ của Dự án Cải thiện liên kết giữa thị trường và người SX vùng rau các tỉnh miền núi phía Bắc do Tổ chức ACIAR (Australia) tài trợ (7 đơn vị, hầu hết thuộc Bộ NN-PTNT như Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện KH Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Trung tâm Phát triển Hệ thống Nông nghiệp… triển khai).

Đến nay, Mộc Châu đã xây dựng được tổng cộng gần 40ha rau các loại đạt tiêu chuẩn VietGAP, với 4 HTX và đơn vị SX gồm: HTX Rau an toàn Tự Nhiên (xã Đông Sang); HTX Rau an toàn Ta Niết (xã Chiềng Hắc); nhóm SX Rau an toàn An Thái (xã Mường Sang) và nhóm SX Rau an toàn Vân Hồ (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ).

So với các đối tượng cây trồng chính trong huyện, SX rau đang tạo được sức hút rất lớn đối với nông dân khi cho thu nhập rất cao, từ 70 - 150 triệu đồng/sào/năm.

Nhằm tiếp tục xây dựng thương hiệu cho rau VietGAP của huyện Mộc Châu, cuối năm 2014, UBND huyện Mộc Châu đã trình Cục Sở hữu Trí tuệ kiểm tra, thẩm định hồ sơ. Với gần 40ha rau đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, vừa qua, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu “Rau an toàn Mộc Châu” cho đơn vị sở hữu là UBND huyện Mộc Châu. Cùng với Mộc Châu, mặc dù mới thành lập nhưng huyện Vân Hồ cũng đang vào đà khai thác tiềm năng, lợi thế SX rau ôn đới.

Tại Lễ công bố Nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu “Rau an toàn Mộc Châu” ngày 15/4 vừa qua, ông Vũ Xuân Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ cho biết: Chỉ sau gần 1 năm khởi xướng, Vân Hồ hiện đã thành lập được một HTX sản xuất rau theo VietGAP gồm 18 xã viên tham gia, với khoảng 5ha rau các loại đã được cấp chứng nhận rau an toàn.

Hiện UBND huyện này kêu gọi thêm được một DN đầu tư SX rau VietGAP với diện tích 6ha. Để thúc nhanh hơn nữa tiềm năng SX rau, UBND huyện Vân Hồ đã thành lập các Ban chỉ đạo chuyên đề về SX rau quả; quy hoạch vùng rau khoảng 200ha. Hiện huyện này cũng đang thí điểm một số mô hình SX rau công nghệ cao, áp dụng tưới tiết kiệm và công nghệ SX vi sinh…

Đối với các vùng rau hiện có tại huyện Mộc Châu, mối liên kết giữa vùng SX và các DN phân phối bán lẻ tại thị trường Hà Nội hiện đã rất đa dạng như Siêu thị Fivimart, Cty BigGreen, Siêu thị Metro, Siêu thị AEON…, sản lượng tiêu thụ ngày càng đi vào guồng ổn định và tăng trưởng lạc quan.

Chỉ riêng HTX Rau an toàn Tự Nhiên (xã Đông Sang), đến nay, sản lượng rau các loại phân phối cho các DN tại Hà Nội đã tăng từ khoảng 200 tấn/năm trước đây lên hơn 450 tấn/năm, trong đó, hệ thống siêu thị Fivimar tại Hà Nội chiếm khoảng trên 50% lượng rau tiêu thụ.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó TGĐ Cty Cổ phần Nhất Nam (chủ sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết: Với mức tiêu thụ xấp xỉ 240 tấn năm 2015, hiện mức tăng trưởng tiêu thụ rau Mộc Châu tại thị trường Hà Nội trung bình vào khoảng 5 - 7%/năm và đang có tín hiệu tăng mạnh.

Để tạo mối liên kết ổn định, ngay từ những ngày đầu xây dựng các vùng rau VietGAP tại Mộc Châu, Fivimart đã có nhiều hỗ trợ về cơ sở hạ tầng sơ chế, xe vận chuyển… cho các HTX sản xuất rau tại huyện này, đồng thời thường xuyên phản hồi thông tin khách hàng tới vùng SX để kịp thời điều chỉnh.

Theo bà Hậu, bên cạnh tiềm năng rau tại Mộc Châu chưa khai thác hết, huyện Vân Hồ đang là địa bàn mà Fivimart nhắm tới để liên kết xây dựng rau VietGAP đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao tại thị trường Hà Nội, nhất là các mặt hàng rau ôn đới trái vụ vào mùa hè và hè thu.

Bên cạnh lợi thế sẵn có, các DN tiêu thụ rau Mộc Châu đánh giá, yếu nhất của vùng rau Mộc Châu hiện nay đó là tính chuyên nghiệp trong liên kết, nhất là khâu sơ chế và vận chuyển. “Mộc Châu hiện chưa có xe lạnh vận chuyển rau chuyên dụng, chưa được đóng gói kèm nhãn mác nên khi vận chuyển rau về Hà Nội, chúng tôi phải phân loại đóng gói rất mất công.

Vì vậy thời gian tới, Mộc Châu cần phải cải thiện thêm hệ thống sơ chế, đóng gói, vận chuyển bằng xe lạnh chuyên dụng, nhất là trong bối cảnh vùng rau này đã được cấp chứng nhận sở hữu thương hiệu, cần phải có nhãn mác riêng”, bà Vũ Thị Hậu đánh giá.

Các vùng rau VietGAP của Mộc Châu hiện đang được liên kết tiêu thụ với nhiều đối tác tại thị trường Hà Nội. Người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm rau Mộc Châu tại các địa điểm sau: Hệ thống siêu thị Fivimart tại Hà Nội (Văn phòng chính số 99 Võ Thị Sáu, Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng); Siêu thị Metro (đường Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm); Hệ thống siêu Siêu thị AEON (Trụ sở chính số 27 Cổ Linh, quận Long Biên); Cty Big Green (trụ sở chính số 113 Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân); chuỗi cửa hàng Bác Tôm (Trụ sở chính số 6 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng); Cty Chất Việt (số 4 Cao Đạt, phố Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng); Cty Tràng An (số 68 Linh Lang, quận Ba Đình); Cty Greenlife (số 115 Đào Tấn, quận Ba Đình).

Theo LÊ BỀN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 311
Tổng truy cập: 38758767