Phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ rừng (23/05/2019)

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm trong hội nghị Triển khai công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn TP trong năm 2019.


Rừng Sác – Cần Giờ, TPHCM.

TP.HCM có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là 35.640,46ha (chiếm 17,012% trên tổng diện tích tự nhiên), chủ yếu là rừng phòng hộ, phân bố trên địa bàn huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi và Quận 9. Trong đó, rừng đặc dụng 29; rừng phòng hộ 35.067,62ha; rừng sản xuất 542,92ha.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, năm 2018 công tác bảo vệ rừng và PCCCR của TP đã có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế thấp nhất các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hạn chế mức thấp nhất các nguy cơ tiềm ẩn gây cháy.

“Đã phát hiện 49 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; trong đó 4 vụ khai thác rừng trái phép, 4 vụ phá rừng trái phép, 41 vụ buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép. Năm 2018, không để xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; tuy nhiên đối với diện tích đất có thảm thực vật thân cỏ và cây phân tán đã xảy ra 4 vụ với diện tích 30ha, nhờ lực lượng tại chỗ phát hiện và thông báo chính quyền địa phương tổ chức lực lượng phối hợp chữa cháy kịp thời nên không có thiệt hại về mặt kinh tế và ngăn cháy lan.

Ngoài ra, TP đã tiếp nhận, cứu hộ 112 cá thể động vật hoang dã các loại, thả về môi trường tự nhiên 27 cá thể sau cứu hộ, chuyển giao cho cơ sở gây nuôi bảo tồn 24 cá thể động vật hoang dã sau cứu hộ”, ông Trực chia sẻ.

Nhờ tập trung thực hiện chủ trương chính sách Lâm nghiệp của TW và TP trong việc giao khoán bảo vệ rừng đến đơn vị tập thể và hộ gia đình, giúp đời sống của hộ nhận khoán bảo vệ rừng và lao động làm nghề rừng được nâng lên, đã tác động tích cực đến công tác bảo vệ rừng, PCCCR.

Mặt khác, TP tổ chức lực lượng, phương tiện tại chỗ của các phường, xã có rừng và cây lâm nghiệp trồng phân tán, trang bị điều kiện cần thiết theo yêu cầu 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.

“Việc điều tiết nguồn nước phục vụ cho công tác PCCCR tại một số khu vực được thực hiện linh hoạt vào thời điểm mùa khô do phải ngăn mặn để không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp như vận hành mở cống lấy nước vào khu vực rừng trong điều kiện có thể hoặc tổ chức bơm giữ ẩm, đảm bảo cung cấp nước cho thực hiện công tác PCCCR trong khu vực”, ông Trực nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ và PCCCR, bởi với đặc thù của rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ Cần Giờ giáp ranh với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, những địa phương trong vùng giáp ranh vẫn còn một bộ phân dân cư đời sống còn khó khăn nên lén lút xâm phạm tài nguyên rừng, địa hình nhiều sông rạch chia cắt, điều kiện đi lại khó khăn phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng.

Diện tích rừng và cây lâm nghiệp trồng phân tán nằm trong vùng trọng điểm cháy hầu như đều tiếp giáp khu dân cư, khu công nghiệp, đường điện cao thế, đất sản xuất nông nghiệp và đồng cỏ nên rất dễ gây cháy lan.

Bên cạnh đó, còn một số người dân tự trồng cây lâm nghiệp phân tán trên đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp, không có điều kiện thiết kế các công trình PCCC, không bố trí người canh gác đảm bảo an toàn phòng chống cháy. Đối với các kênh, mương nhánh tại khu vực huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn phần lớn bị bồi lấp, vào thời điểm mùa khô gặp nhiều khó khăn cho công tác dẫn nước vào từ các kênh.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm, cần tăng cường công tác phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp các sở, ngành chức năng kiểm lâm, công an, quân đội, cảnh sát PCCC, quản lý thị trường, thanh niên xung phong và kể cả người dân để đấu tranh các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và PCCCR.

“Đặt mục tiêu năm 2019, TP tiếp tục phấn đấu giữ vững diện tích rừng hiện có, tăng cường trồng rừng, cây xanh các loại tạo điều kiện nâng độ che phủ của TP, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP và của cả nước”, ông Liêm nhấn mạnh.

“Đối với các khu rừng chưa có đường giao thông cho xe chữa cháy cần khẩn trương phối hợp với chủ rừng đề ra phương án triển khi mở rộng đường vào các lô rừng; phát quang cỏ, nhánh cây khô tạo khoảng cách an toàn nhằm hạn chế cháy lan, nạo vét kênh rạch đảm bảo nguồn nước dự trữ để chữa cháy và làm tăng độ ẩm của rừng”, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM nói.

Theo NGUYỄN THỦY (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 145
Tổng truy cập: 37055579