Mô hình sản xuất tôm theo chuỗi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (27/02/2019)

Hội thảo giữa các cơ quan Mỹ và Việt Nam về việc đưa con tôm xâm nhập thị trường Mỹ, được kỳ vọng mang lại giá trị kinh tế cao.

Tháng 1/2019, Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Kerry đã có chuyến làm việc tại Việt Nam. Trong buổi làm việc này, Seafood Watch (SW)– một tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên đánh giá chất lượng thủy sản nhập khẩu vào thị trường Mỹ, đã chọn Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV- Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) làm đối tác phía Việt Nam để tư vấn cho Chính phủ về tiêu chuẩn tôm thương phẩm nếu muốn vào thị trường Mỹ.

Để tìm hướng phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam, SW và Ban IV đã đưa ra giải pháp tại chuỗi hội thảo “Mô hình sản xuất tôm theo chuỗi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ” từ ngày 22/2 đến 24/2 tại Sóc Trăng, Trà Vinh và Cà Mau.

Kết quả của các hội thảo này sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên hiến kế, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong phiên Toàn thể dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2019 tới đây tại Hà Nội. Sự kiện này tiếp nối những thành tựu của ViEF 2018 đạt được trong một năm qua, đặc biệt trong việc phối hợp công - tư để thúc đẩy những giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, tiệm cận với tiêu chuẩn, chất lượng các thị trường có yêu cầu cao.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân Ban IV, cho biết: “Ban khi hình thành đã thúc đẩy hỗ trợ cho Doanh nghiệp nông nghiệp, làm thế nào tới 2025 Việt Nam có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ đô la Mỹ con tôm ra thị trường quốc tế. Làm thế nào để hình thành chuỗi từ nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, chuẩn hóa được, trong qúa trình đó, chúng tôi tìm kiếm được tổ chức Seafood Watch để mong muốn thực hiện hỗ trợ cho Việt Nam. Chúng tôi mong muốn họ tư vấn để chuẩn hóa quy trình nuôi tôm và hình thành chuỗi từ tôm giống, các hộ nuôi, ngân hàng, thức ăn… các dịch vụ hỗ trợ”.

Tại ViEF 2019, ở phiên hiến kế mảng nông nghiệp, diễn đàn dự định sẽ đưa ra các nội dung để trao đổi:

- Thí điểm tạo lập chuỗi tôm xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của 1 số thị trường cao

- Phát triển các DN “đầu tàu”, dẫn dắt thị trường cho nông - thủy sản Việt

- Chính phủ giao khu vực tư nhân thực hiện số hóa & hình thành dữ liệu lớn của các chuỗi nông - thủy sản (giải pháp cho bài toán “giải cứu/khủng hoảng thừa” và quàn trị chất lượng nông -thủy sản theo yêu cầu của thị trường)

Sự kiện này tiếp nối những thành tựu của ViEF 2018 đạt được trong một năm qua, đặc biệt trong việc phối hợp công - tư để thúc đẩy những giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, tiệm cận với tiêu chuẩn, chất lượng các thị trường có yêu cầu cao.

Theo ông Nguyễn Đức Tùng, khi tất cả người dân, nhà sản xuất, ngân hàng, các doanh nghiệp hỗ trợ… cùng ngồi với nhau trên tinh thần bình đẳng, hài hòa lợi ích, nâng cao giá trị thương phẩm tôm thì chuỗi giá trị sẽ giải quyết được vấn đề đặt ra với con tôm hiện nay.

“Nếu không tối ưu hóa diện tích nuôi tôm, đầu tư, ứng dụng công nghệ nhiều hơn, với diện tích hiện tại mà vẫn đạt được 10 tỷ đô la từ con tôm mà Chính phủ đặt mục tiêu thì chuỗi giá trị là cách hữu hiệu nhất và chúng ta không phải trả giá để xử lý ô nhiễm môi trường trong tương lai”, ông Tùng nói.

Ông Josh Madeira, Phụ trách chính sách bảo tồn biển, Chương trình Seafood Watch (SW), Mỹ, cho biết: “Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn, trong các thị trường xuất khẩu vào thị trường Mỹ có Việt Nam và phía Việt Nam cũng mong muốn được mở rộng sản phẩm tôm tại thị trường Mỹ”.

Ông Madeira nói các hộ nuôi tôm không phải mở rộng diện tích nuôi nữa mà tăng chất lượng con tôm, hiểu rõ tiêu chuẩn của Mỹ để tăng giá trị cho con tôm nuôi. 

Hệ thống đánh giá của SW

Hệ thống đánh giá của SW khác với các chứng nhận, tiêu chuẩn khác. SW đánh giá từ người tiêu dùng của Mỹ theo các tiêu chí như sản phẩm đó có bảo vệ môi trường hay không, định hướng cho người tiêu dùng dùng sản phẩm bền vững với môi trường, chứ không phải chỉ là những nhà xuất khẩu.

Hiện nay phong trào bảo vệ môi trường biển lên cao, các đối tác của SW đều cam kết tăng thu mua các sản phẩm bảo đảm bền vững của môi trường.

“Các nhà cung cấp phải đảm bảo các sản phẩm bảo vệ môi trường, đảm bảo được các tiêu chuẩn của môi trường. Từ đó đưa ra các tiêu chí như về luật pháp, thức ăn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường… để áp dụng cho các nhà nuôi tôm. Các nông hộ nhỏ có thể theo được, nội địa hóa để người Việt có thể áp dụng ngay, đơn giản, tự quản lý chính cơ sở của mình. Sau đó SW sẽ kiểm tra mẫu từ các cơ sở nuôi tôm + hồ sơ từ các nhà chế biến. Nếu đảm bảo tiêu chuẩn, tôm sẽ được khuyến cáo màu xanh để khách hàng Mỹ lựa chọn”, đại diện SW nói.

90% các nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ sẽ chỉ mua thủy hải sản từ các nhà cung cấp đảm bảo bền vững môi trường. Ở Châu Âu tỷ lệ này là 75%. Những nhà bán lẻ có lịch trình cụ thể, chuẩn bị từ 2-3 năm tới nhu cầu cho các sản phẩm mang tính bền vững rất cao và nhu cầu này tăng theo từng năm một.

Mỹ nhập tôm 50% từ châu Á, việc đánh giá tuân thủ cũng tập trung vào châu Á: Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan…

Theo đại diện SW, Mỹ đánh giá tôm Việt Nam ở mức Red: tức là tránh mua, không nên mua các sản phẩm này. “Chúng tôi cho rằng, nếu đánh giá ở tầm quốc gia như vậy thì chưa chính xác, ở đâu đó tại các địa phương vẫn có các nhà cung cấp tốt hơn và chúng tôi muốn làm việc với các địa phương để tìm ra những mô hình làm tốt, có những đánh giá tốt hơn”, đại diện SW cho biết.

Ông Josh Madeira cho biết SW đã cùng với các chuyên gia trong ngành tôm của Việt Nam và các nước khác dựa vào tiêu chuẩn của các quốc gia đó + tiêu chuẩn của SW để đưa ra mô hình nội địa hóa. Nếu tuân thủ việc này sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của Việt Nam như VietGap lẫn SW. Việc tuân thủ các tiêu chí sẽ dễ dàng hơn.

“Chúng tôi cùng với ngành tôm xây dựng lên bộ tiêu chuẩn ASIC cho Việt Nam, đang tiến hành triển khai tiêu chuẩn này ở Việt Nam và một số nước để mở rộng việc đánh giá”, ông Madeira nói. 

Mô hình chuỗi thí điểm

Từ các tiêu chuẩn của SW, Ban IV và các địa phương: Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau sẽ thí điểm lựa chọn các nhà nuôi tôm, cung ứng thức ăn, cơ sở hạ tầng, ngân hàng… tạo thành một chuỗi khép kín theo quy trình chuẩn. Bước đầu sẽ thực hiện thí điểm trên mô hình từ 10-50 ao nuôi tôm/địa phương để đảm bảo chất lượng tôm thương phẩm của Việt Nam có thể đạt được thẻ vàng, thẻ xanh vào thị trường Mỹ. SW sẽ đưa những người DN thu mua của Mỹ sang Việt Nam để chọn lọc các nhà cung cấp sản phẩm đảm bảo để thu mua tôm Việt Nam.

Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng, khẳng định: “Hiệp hội sẽ đứng ra lập một tổ giám sát trung gian và đưa hộ nào đạt tiêu chuẩn, đưa vào mô hình này để thúc đẩy hình thành chuỗi. Từ đó, người nông dân có thể  tiếp cận với vốn vay của ngân hàng, tìm được thị trường đầu ra tốt và phân chia tỉ lệ rủi ro để ngành tôm phát triển”.

“Ngân hàng – thị trường bắt tay với nhau thì chế biến, dịch vụ hỗ trợ cho ngành nuôi tôm đều có thể tham gia được cuộc chơi này”- ông Huy chia sẻ.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: “Doanh nghiệp rất khó trong việc thuê đất của người dân, sau đó Minh Phú tìm ra mô hình doanh nghiệp xã hội mà không cần dồn điền đổi thửa, không cần thành các cụm nuôi lớn, mà người nông dân góp đất và kinh doanh trên chính mảnh đất của người ta. Từ đó liên kết thành một doanh nghiệp tạo ra khối lượng lớn hàng hóa”.

Tuy nhiên, theo ông Quang, điều khiến mô hình này chưa thể phân chia lợi nhuận là do doanh nghiệp phải làm nhiều chứng nhận quá nếu muốn vào các thị trường khác nhau và chi phí rất tốn kém...

Theo VĂN VIỆT (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 288
Tổng truy cập: 38758767