Cần cái nhìn công bằng về thuốc BVTV (12/11/2018)

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) ước tính, khoảng 50% sản lượng lương thực thế giới sẽ bị mất đi do sâu bệnh hại và cỏ dại nếu không có sản phẩm BVTV...

Việc lạm dụng thuốc trừ cỏ, sử dụng thuốc quá liều lượng khuyến cáo, sử dụng sai mục đích, đặc biệt là trình độ nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm xã hội của người sử dụng thuốc trừ cỏ tại Việt Nam còn hạn chế... là những nguyên nhân chính gây ra một số ảnh hưởng không mong muốn tới sức khoẻ cộng đồng và môi trường.


Thuốc BVTV không có tội, nhưng sự lạm dụng thuốc BVTV gây nên những hệ lụy lớn

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) ước tính, khoảng 50% sản lượng lương thực thế giới sẽ bị mất đi do sâu bệnh hại và cỏ dại nếu không có sản phẩm BVTV. Riêng thuốc trừ sâu ngăn chặn gần 40% nguy cơ bị tụt sản lượng của lúa và ngô trên toàn cầu bị mất mỗi năm.

Theo các nghiên cứu tại Việt Nam, với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, cây trồng ước phải cạnh tranh với khoảng 30.000 cỏ dại khác nhau để lấy ánh sáng mặt trời và chất dinh dưỡng, cây trồng cũng phải chiến đấu với hơn 10.000 loài côn trùng, một loạt các bệnh do nấm, vi khuẩn và virus gây ra.

Sử dụng các loại thuốc bảo quản sau thu hoạch và trong quá trình lưu trữ cũng giúp giảm bớt lương thực mất mát trong quá trình bảo quản, vận chuyển trước khi đến tay người tiêu dùng. Ngoài việc giảm tác hại của sâu hại, bệnh hại và giúp tăng sản lượng cây trồng, các sản phẩm thuốc BVTV cũng giúp giảm bớt các khó khăn, vất vả của người nông dân trong hoạt động canh tác.

Theo đó, việc sử dụng thuốc trừ cỏ là một trong những giải pháp hiệu quả giúp cải thiện hiệu quả kiểm soát cỏ dại và giảm gánh nặng công việc rất lớn cho nông dân từ việc làm cỏ bằng tay. Các chuyên gia cho rằng, không thể loại bỏ thuốc BVTV hoàn toàn ra khỏi canh tác nông nghiệp.

Tuy nhiên, để hạn chế những tác hại không mong muốn, cần hướng dẫn lại nông dân sử dụng thuốc đúng cách. Ngược lại, nếu đột ngột cắt giảm các sản phẩm thuốc BVTV được phép sử dụng, cũng có thể gây nên những ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp Việt Nam.

Cụ thể như trường hợp thuốc trừ cỏ Glyphosate, tính an toàn và hiệu quả của glyphosate trong việc kiểm soát cỏ dại đã được chứng minh qua 40 năm sử dụng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, glyphosate là hoạt chất thuốc trừ cỏ không chọn lọc được sử dụng phổ biến nhất, và là công cụ quan trọng trong việc kiểm soát cỏ dại trong canh tác nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm như chè, cà phê, cao su… Việc cấm glyphosate sẽ làm gia tăng chi phí kiểm soát cỏ dại trong canh tác cây lương thực, cây công nghiệp và cây ăn quả như lúa, ngô, cà phê, cao su, chè, mía và các loại cây ăn quả.

Cụ thể, theo nghiên cứu của Tổ chức Croplife Việt Nam, nếu cấm sử dụng glyphosate, chi phí phòng trừ cỏ dại bằng các thuốc trừ cỏ khác sẽ tăng lên trung bình khoảng 1,1 triệu đồng/ha, tức khoảng 982 tỷ đồng (44 triệu USD) cho quy mô sản xuất nông nghiệp toàn quốc.


Cục BVTV phát động thu gom, xử lí bao bì thuốc BVTV tại ĐBSCL năm tháng 4/2018

Bên cạnh đó, việc thay thế glyphosate bằng các thuốc trừ cỏ khác kém hiệu quả hơn sẽ dẫn tới việc giảm năng suất cây trồng từ 5-10%. Việc cấm sử dụng glyphosate cũng khiến nông dân phải sử dụng các loại thuốc trừ cỏ khác với số lượng nhiều hơn, dẫn tới việc gia tăng thêm 3% lượng thuốc trừ cỏ cần phải sử dụng. Quan trọng hơn nữa, tác động tiêu cực tới môi trường do sử dụng các loại thuốc trừ cỏ thay thế này sẽ tăng 23%.

Dư lượng thuốc BVTV thường có trên nông sản chỉ gây hại khi chúng vượt ngưỡng cho phép. Một số chỉ tiêu dùng để đo mức dư lượng thuốc BVTV tồn dư trên nông sản ở ngưỡng an toàn cho người sử dụng như Mức dư lượng tối đa cho phép (MRL), Lượng tiêu thụ hằng ngày được chấp nhận (ADI)…

Ông Trương Quốc Tùng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội KHKT BVTV Việt Nam nhận định, kết quả nghiên cứu, kết quả áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm 3 tăng hay VietGAP trên diện rộng trong những năm gần đây cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể giảm mức sử dụng thuốc BVTV khoảng 30 - 50% mà vẫn đảm bảo năng suất lại ATTP và hạn chế tác động hại đến môi trường và hệ sinh thái, đa dạng sinh học.

Để làm được điều này, Tổ chức Croplife Việt Nam đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiều chương trình hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV đúng cách, khuyến khích phát triển các chuẩn mực thực hành nông nghiệp tốt...

Thuốc BVTV tồn tại trên cây trồng và nông sản trong một thời gian là điều cần thiết để bảo vệ cây trồng và nông sản chống lại sự gây hại của dịch bệnh ở trên đồng ruộng, trong quá trình vận chuyển và bảo quản. Bằng nhiều con đường khác nhau, thuốc BVTV cũng sẽ bị chuyển hoá và mất dần do các yếu tố sinh học và phi sinh học như bị ánh sáng phân huỷ, bị hoà loãng sinh học, nước cuốn trôi, bị phân hủy do vi sinh vật trong đất…

Theo CÔNG HOÀNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 164
Tổng truy cập: 36974902