50% sản lượng vải thiều Bắc Giang sẽ được tiêu thụ nội địa (12/06/2018)

Năm 2018, vải thiều Bắc Giang được mùa với sản lượng dự báo 150.000 – 180.000 tấn cùng chất lượng vượt trội. Nhờ sự nỗ lực, tập trung chỉ đạo của chính quyền địa phương, các sở, ngành, vải thiều Bắc Giang đang tiêu thụ hết sức thuận lợi.

Sáng nay (8/6), lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn kinh tế về SX, tiêu thụ vải thiều với sự tham gia đông đảo của DN, doanh nhân trong và ngoài nước. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự diễn đàn này.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Bắc Giang trong tổ chức Diễn đàn kinh tế về SX, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực

50% sản lượng tiêu thụ nội địa

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, diện tích trồng vải thiều năm 2018 duy trì gần 29.000 ha, năm nay thời tiết thuận lợi cây vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, sản lượng ước đạt từ 150.000 đến 180.000 tấn.


Người dân chở vải thiều đến các điểm cân

Với quan điểm chỉ đạo tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trong SX và tiêu thụ, hiện diện tích vải thiều SX theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 13.500 ha, ước sản lượng 90.000 tấn; diện tích vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218,5 ha, được Mỹ cấp mã số IRADS với 394 hộ SX, tập trung tại huyện Lục Ngạn, đủ tiêu chuẩn XK sang thị trường Mỹ, sản lượng đạt 10.000 tấn. Vải thiều Lục Ngạn được Bộ KHCN cấp Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại 08 quốc gia gồm: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Lào và Campuchia. Thời gian thu hoạch vải thiều chính vụ từ thời điểm này đến cuối tháng 7.

“Về tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, xác định thị trường nào cũng có vai trò quan trọng; tập trung khai thông các thị trường tiềm năng, có giá trị kinh tế cao. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các ngành, các địa phương chủ động từ khâu SX, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ vải thiều”, ông Thái cho hay.

Theo ông Thái, đối với thị trường nội địa, tỉnh Bắc Giang xác định, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là thị trường quan trọng. Đến nay, vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn Metro, Co.opmart, Happro, BigC, các chợ đầu mối hoa quả. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung khơi thông, mở rộng, phát triển các thị trường mới có tiềm năng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Đông Nam bộ.

“Đối với thị trường XK, chúng tôi vẫn duy trì XK quả vải tươi và vải thiều chế biến. Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, với phần lớn sản phẩm vải thiều tươi tiêu thụ ở thị trường này. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tập trung nâng cao sản lượng XK vào các thị trường: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; mở rộng thị trường XK khác: Trung Đông, Thái Lan, Canada… Hiện nay đã có nhiều DN đăng ký thu mua vải thiều để đưa vào thị trường Mỹ, Úc, EU, Trung Đông, Canada và Thái Lan. Năm 2018, dự kiến tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước khoảng 80.000 – 90.000 tấn, chiếm 50%; XK chiếm 50%”, vị lãnh đạo này nói. 

Chất lượng cao nhất từ trước đến nay

Diễn đàn kinh tế SX, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản, chủ lực tỉnh Bắc Giang năm 2018 là một điểm mới trong chuỗi các sự kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Thông qua diễn đàn, Bắc Giang giới thiệu,quảng bá đến bạn bè trong và ngoài nước các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh, trong đó có sản phẩm vải thiều mang chất lượng vượt trội.

“Với việc ổn định quy hoạch vùng SX theo hướng giảm diện tích, nâng cao chất lượng, tỉnh Bắc Giang khẳng định năm 2018, vải thiều Bắc Giang  có chất lượng tốt nhất trong những năm vừa qua”, ông Thái nói.


Vải thiều Lục Ngạn chính vụ bắt đầu cho thu hoạch

Trong khuôn khổ diễn đàn, tỉnh Bắc Giang cũng giơi thiệu những nông sản chủ lực của địa phương như cam, gà đồi Yên Thế, chè Bản Ven... Được biết, địa phương này đã xây dựng được 22 sản phẩm chủ lực, đặc trưng; đây là những sản phẩm có số lượng lớn, có tiềm năng về thị trường, tận dụng tốt điều kiện tự nhiên, thân thiện với môi trường, tạo giá trị gia tăng cao, mang đặc trưng riêng của từng vùng, địa phương trong tỉnh.

Tại diễn đàn, tỉnh Bắc Giang đã nhận được những chia sẻ, đánh giá từ các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, TP, các DN trong và ngoài nước về quá trình SX, tiêu thụ của tỉnh Bắc Giang, đưa ra những đề xuất, kiến nghị để Bắc Giang có thể tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh một cách bền vững hơn.

Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Bắc Giang trong tổ chức Diễn đàn kinh tế về SX, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang. Đây là một sự kiện  đặc biệt quan trọng, được tổ chức vào thời điểm chuẩn bị vụ thu hoạch chính của vải thiều sẽ thúc đẩy tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

“Bắc Giang là tỉnh đầu tiên thực hiện phê duyệt danh mục các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh, có định hướng cho phát triển nông nghiệp một cách bài bản, bám sát vào lợi thế đặc trưng của địa phương với liên kết vùng. Quả vải thiều đã mang lại giá trị kinh tế cao và trở thành một quả đặc sản chủ lực, đóng góp tích cực đối với sự phát triển KT-XH, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tôi đánh giá cao cách tiếp cận, phát triển thị trường của tỉnh Bắc Giang và tin rằng thời gian tới Bắc Giang sẽ có bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất và tiêu thụ nông sản”, Phó Thủ tướng nói.


Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý, tỉnh Bắc Giang cần tái cơ cấu từng ngành hàng, sản phẩm cấp tỉnh

Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý, tỉnh Bắc Giang cần tái cơ cấu từng ngành hàng, sản phẩm cấp tỉnh, chỉ đạo hệ thống ngành nông nghiệp cấp cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình chăm sóc hợp lý, thực hành nông nghiệp tốt để sản phẩm đảm bảo chất lượng, thúc đẩy thị trường tiêu thụ vải thiều được thuận lợi.

“Tỉnh Bắc Giang đã có những kinh nhiệm bước đầu trong tổ chức SX một số sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, để nhân rộng, phát triển các mô hình này thì phải thực hiện quy hoạch vùng SX hợp lý, bám sát nhu cầu của thị trường; tránh phát triển theo phong trào, thiếu kiểm soát, cùng với đó là quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm hàng hóa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Theo Phó Thủ tướng, trước mắt, tỉnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ hậu cần hỗ trợ tiêu thụ vải thiều. Thường xuyên phối hợp với các tỉnh, TP để thông tin kết nối cung cầu, chào hàng các DN, thương nhân đến đàm phán, tiêu thụ vải thiều.

Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, tạo điều kiện cho các DN sang thu mua vải thiều; sớm thực hiện mua bán theo hợp đồng thương mại chính thức, phòng tránh rủi do cho cả người trồng vải thiều và DN tiêu thụ.

“Tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Lào Cai phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho quả vải thiều được thông quan NK vào Trung Quốc với thời gian nhanh nhất để hạn chế thiệt hại về kinh tế cũng như tâm lý của DN, người dân. Chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc nghiêm túc, tránh gây cản trở các thủ tục thông quan”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ghi nhận của PV NNVN tại thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, vải thiều chính vụ hôm nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Giá các thương lái, doanh nhân thu mua tại hơn 40 điểm cân trên địa bàn đạt khoảng 25.000 đồng/kg vải loại 1.

Ngay sau diễn đàn hôm nay, đến 21/6, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tổ chức Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội. Trước đó, nông sản này cũng được tỉnh mở rộng kênh tiêu thụ bằng hội nghị xúc tiêu thụ vải thiều tại thị Bằng Tường, Trung Quốc (29/5/2018).

Theo VĂN NGUYỄN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 194
Tổng truy cập: 38533804