Đầu năm nói chuyện nông nghiệp hữu cơ (09/02/2018)

Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ cùng Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền vừa tổ chức diễn đàn quốc gia về phát triển Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) lần thứ nhất.

Tại diễn đàn, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và đặc biệt là các doanh nghiệp, các trang trại hay các nông dân đã và đang sản xuất, kinh doanh các sản phẩm NNHC đã thống nhất nhận định rằng sản xuất NNHC là một xu thế của thế giới đang trên đà tiến triển. Việt Nam cũng không thể tách rời khỏi xu thế này…


Sản phẩm xoài sạch SX theo tiêu chuẩn VietGAP

Trên thực tế trong mấy năm nay, diện tích và sản lượng các sản phẩm NNHC cũng đang được gia tăng rất ấn tượng. Tham gia xu thế sản xuất NNHC ở Việt Nam, một mặt vì Việt Nam cũng là một thành viên đang tham gia vào hệ thống kinh tế thị trường thế giới, đồng thời cũng là nỗi bức xúc về sản phẩm nông nghiệp kém an toàn đã xuất hiện nhiều năm, đang tác động có hại lên sức khỏe của con người, gia súc và môi trường sinh thái.

Vì lẽ đó mà khi nghe nói đến sản phẩm NNHC thì khách hàng dễ chấp nhận. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường ngắn ngủi mà các nhà sản xuất sản phẩm NNHC đã cho thấy, đi theo con đường sản xuất sản phẩm NNHC là rất khó. Vì lẽ các quy chế về hệ thống sản xuất này được quy định rất chặt chẽ từ môi trường đất, nước, giống, thức ăn hay phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay thú y cho vật nuôi. Và đặc biệt là sản phẩm làm ra cần phải có một cơ quan có chức năng chứng nhận với chi phí khá đắt đỏ.

Chẳng vậy mà trải qua mấy chục năm, trên cấp độ thế giới cũng chỉ mới có được khoảng 1,1% số diện tích đất nông nghiệp được sử dụng cho sản xuất NNHC. Và ở nước ta, hơn chục năm nay cũng chỉ mới có 0,7% diện tích đất dùng cho sản xuất NNHC các loại.

Vả lại, về quy hoạch, quy chế, chính sách về NNHC của Nhà nước cũng đang trên đường soạn thảo, chưa có chính sách cụ thể để người sản xuất cũng như người tiêu dùng dựa vào mà thực hiện.

Vậy là, dù NNHC đang là đòi hỏi cấp bách của mọi tầng lớp khách hàng, nhưng trong tương lai cũng không thể thay thế hoàn toàn nền sản xuất nông nghiệp theo con đường hóa học, giỏi lắm trong mươi năm tới diện tích NNHC của nước ta tăng lên được 1-5% là cùng.

Vì lẽ, phần lớn khách hàng thế giới và cả Việt nam đang cần có nhiều sản phẩm và chỉ cần sản phẩm sạch là họ đã chấp nhận. Bằng chứng là Hiệp hội phân bón hóa học thế giới dự tính đến năm 2030, cả thế giới cần có số lượng phân hóa học tăng lên 35% so với năm 2010. Và ta cũng thấy ở nước nào cũng có xu thế mở thêm nhà máy sản xuất phân hóa học. Phải chăng khách hàng thế giới chịu chấp nhận sử dụng sản phẩm nông nghiệp không sạch.

Không phải thế, bên cạnh phong trào sản xuất NNHC thì từ những năm cuối của thế kỷ 20 đã xuất hiện phương pháp thực hành nông nghiệp tốt - GAP, do những người bán lẻ hàng hóa ở châu Âu xây dựng nên, và cũng từ đó phong trò sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch theo GAP nảy nở và lan rộng khắp năm châu bốn biển.

Làm nông nghiệp sạch theo GAP tuy có khó thật, nhưng ở Việt Nam trong hơn mười năm qua, nông dân đã bắt đầu làm quen và cũng đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch bán trên thị trường. Nhưng phải công bằng mà nói, do quy chế chưa được chặt chẽ nên, sản phẩm nông nghiệp sạch và chưa sạch vẫn đang còn có đất để chung sống.

Dầu vậy, hiện nay nhà nước, Bộ NN- PTNT đã có quy hoạch, có chủ trương và cũng đang có nhiều chương trình, dự án hổ trợ các tỉnh sản xuất nông nghiệp sạch theo mô hình liên kết sản xuất trong cánh đồng lớn. Nhiều loại hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam cũng đang có mặt trên thị trường thế giới và cả thị trường của các nước khó tính như Mỹ, châu Âu, hay Nhật…

Vậy thì cái gì dễ làm hơn mà phù hợp với nhu cầu đông đảo khách hàng thì khả năng phát triển cũng dễ dàng hơn. Như vậy, ở Việt nam, NNHC và nông nghiệp sạch vẫn phải song song tồn tại, bắt tay nhau mà sống. Và chính người sản xuất sẽ là người đưa ra quyết định làm cái gì mà họ có thể thu được hiệu quả kinh tế cao cho gia đình của họ. Và như vậy trong tương lai lâu dài phương thức sản xuất nông nghiệp sạch vẫn chiếm ưu thế.

Theo GS MAI VĂN QUYỀN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 162
Tổng truy cập: 36974902