Các giải pháp chỉ đạo bảo vệ lúa, màu sau bão của Cục Trồng trọt (01/08/2016)

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) vừa có công văn gửi Sở NN-PTNT các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trung du, miền núi phía Bắc và Thanh Hóa về việc khắc phục hậu quả bão số 1.

Để bảo vệ diện tích lúa, hoa màu vụ HT - mùa 2016, chủ động ứng phó với bão số 2 và đảm bảo có các phương án hạn chế tối đa tình trạng ngập úng gây chết lúa sau cấy, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh khẩn trương tập trung chỉ đạo các công việc sau:

1. Đối với lúa

- Phân loại diện tích bị ngập úng, ưu tiên cho những diện tích lúa mới cấy, gieo thẳng muộn, những chân ruộng trũng. Huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông các dòng chảy như mương máng, sông ngòi, sử dụng các máy bơm để thoát nước nhanh. Tuyệt đối không để cây lúa bị ngập lâu, nếu gặp nắng nóng sẽ ảnh hưởng, thậm chí gây thối và chết lúa.

- Sau khi mưa kết thúc cần kiểm tra cụ thể từng ruộng, giống lúa để linh động tháo nước hay giữ nước cho lúa. Trong khi thoát nước nếu ruộng có rong rêu, bùn bám cần té nước lên lá lúa để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp tốt hơn sau ngập úng.

- Những diện tích lúa vùng trũng ngập nước kéo dài không có nguy cơ hồi phục: Cấy lại ngay sau khi nước rút bằng các giống mạ dự phòng hoặc san tỉa từ những chân ruộng mới cấy không bị ảnh hưởng ngập úng...; nếu diện tích bị thiệt hại quá lớn cần khẩn trương dùng các giống ngắn ngày như P6 đột biến, nếp 352, PC6, HN6… ngâm ủ làm mạ nền tiến hành gieo cấy kết thúc trước 10/8.


Người dân xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, Nam Định buồn rầu vì những mảnh ruộng bị ngập úng (Ảnh: Mai Chiến)

- Sau khi tháo nước, thấy lá lúa lộ ra bà con nên phun ngay các chế phẩm như KH, ET, siêu lân, PennacP... giúp cây phục hồi nhanh. Liều lượng như trong bao bì hướng dẫn.

- Sau ngập úng lúa dễ bị bọ trĩ gây hại, cần kiểm tra và phun trừ bọ trĩ.

- Khi cây lúa đã hồi phục, những ruộng chưa bón hết phân thúc cần khẩn trương bón hết lượng phân thúc. Ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng có hàm lượng đạm và kali cao tương đương. Không sử dụng đạm đơn và không bón phân lai rai nhằm né tránh sâu bệnh hại và đổ ngã cuối vụ.

2. Đối với các loại cây màu (ớt, dưa, bí...):

- Khẩn trương tháo nước nhanh, khơi thông các dòng chảy, không được để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ.

- Sau đó phun các loại thuốc phù hợp theo hướng dẫn để phòng trừ nấm lở cổ rễ kết hợp chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân... để giúp cây nhanh phục hồi.

- Sau khi khắc phục xong, thời tiết thuận lợi bà con có thể bón bổ sung thêm phân cho các loại cây màu trên.

3. Đối với diện tích lúa, màu bị ảnh hưởng nhẹ cần khuyến cáo các biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc kali cho diện tích lúa đứng cái, làm đòng, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân qua lá cho lúa, màu ở vùng bị ảnh hưởng nhẹ. Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như bệnh bạc lá, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân,... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra;

4. Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra.

5. Chỉ đạo các địa phương trong tỉnh khẩn trương tổng hợp diện tích bị thiệt hại báo cáo UBND tỉnh làm tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất mức hỗ trợ cho nông dân từ ngân sách Trung ương.

Theo nongnghiep.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 190
Tổng truy cập: 37152005