Giáo dục phải tạo ra sản phẩm có chất lượng, đắt hàng chứ không phải ế (01/07/2016)

GS Văn Như Cương khẳng định có nhiều nguyên nhân nhưng sâu xa là do tư tưởng truyền thống hiếu học lạc hậu, giáo trình đại học kéo dài...


Giáo sư Văn Như Cương

Mở đầu cuộc trò chuyện với PV NNVN, Giáo sư Văn Như Cương cho hay, ông đã đọc loạt bài “Tấm bằng đại học, giá bao nhiêu?” trên NNVN. Cảm xúc của ông là thấy xót xa cho sự thiệt thòi và quá lãng phí tuổi xuân, tiền bạc của biết bao học sinh, trong số đó có những hoàn cảnh bi kịch ở các vùng nông thôn nghèo khó.

GS Văn Như Cương khẳng định có nhiều nguyên nhân nhưng sâu xa là do tư tưởng truyền thống hiếu học lạc hậu, giáo trình đại học kéo dài hàng chục năm nay quá cũ kỹ nên sản phẩm đào tạo ra cứ ế.

Giáo sư có thể lý giải rõ hơn về điều này?

Giáo dục phải hướng đến tạo ra sản phẩm thực thụ có chất lượng, đắt hàng chứ không phải ế hàng ngàn cử nhân, thạc sỹ như hiện nay. Muốn vậy thì phải học cho ra học và dạy cho ra dạy. Nếu không hòa nhập thì mình sẽ phải lao động bằng tay chân mãi thôi - như thế biết đến bao giờ mới ngóc đầu lên được.

Dân mình có truyền thống hiếu học. Nghèo nhưng cũng cố để con học đại học, mặc dù biết sẽ khó xin việc. Có người còn tỏ vẻ ra oai nữa. Đó là kiểu hiếu học lạc hậu. Dẫn đến bi kịch giấu bằng đại học đi làm công nhân trong khu công nghiệp, tăng ca triền miên mà cuộc sống vẫn èo uột.

Phải chăng vì thế mới có hàng ngàn sinh viên thất nghiệp, thưa giáo sư?

Việc thất nghiệp của sinh viên tồn tại khá lâu rồi và chẳng riêng gì ở Việt Nam. Có điều ở ta mà thất nghiệp thì để lại nhiều hệ lụy, bi kịch lắm. Một sinh viên ở vùng nông thôn sau 4 năm học đại học ra trường mà không kiếm được việc làm thì bản thân người đó đã lãng phí tuổi xuân, bố mẹ ở quê thêm già nua vì lo lắng từng đồng tiền cho con lên thành phố ăn học. Rồi Nhà nước tốn kém các khoản đầu tư, cho sinh viên vay vốn…

Thất nghiệp còn do chính sách bất cập. Khi có chính sách cử tuyển, địa phương cho các cháu đi học. Đến lúc học xong về không bố trí được việc làm.

Con số 72.000 cử nhân thất nghiệp là nỗi lo lớn cho ngành giáo dục, ngành lao động và cả đất nước. Nhìn tổng thể thì con số này quá lớn đối với đất nước được đánh giá đang trên đà phát triển, nhiều khu công nghiệp mọc lên và bộ máy đang phình ra. Đó là điều rất đáng phải suy ngẫm.

Nếu chúng ta không thẳng thắn nhìn nhận cốt lõi sâu xa của vấn đề thì giữa giáo dục đại học và sử dụng lao động vẫn là một khoảng cách xa lắm?

Tôi cho rằng, cốt lõi chính là sản phẩm đào tạo ra không làm được việc, không đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Tại một công trường xây dựng, ông chủ bảo ở đây không thiếu việc để làm và họ thiếu người vào làm được việc, tiếc thay sinh viên được tuyển không đáp ứng nổi công việc phân công. Trớ trêu, vị trí đó đang rất đúng chuyên ngành mà em đó đã qua đào tạo. Vấn đề nằm ở chỗ đó.

Vấn đề đã rõ nên không ít doanh nghiệp sau tuyển dụng phải đào tạo lại khiến họ e ngại vì mất thì giờ và tốn kém. Giáo sư có bình luận gì về việc này?

Tôi đơn cử ngành nông nghiệp sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các doanh nghiệp tham gia sản xuất theo tiểu chuẩn này đòi hỏi phải có sinh viên chuyên ngành đã qua đào tạo. Thử hỏi trong mấy năm gần đây đã có bộ giáo trình đại học nào đề cập đến vấn đề này chưa? Tôi e là chưa có.

Hàng chục năm nay chúng ta vẫn chỉ một bộ giáo trình đại học cứ thế kéo dài, cũ kỹ, lạc hậu so với xu thế hội nhập quốc tế. Để rồi có gì dạy nấy chứ không phải sinh viên cần gì thì dạy. Dẫn đến chất lượng của sản phẩm đào tạo không đảm bảo, tồn kho, ế ẩm.

Thử đặt mình vào nhà tuyển dụng. Khi người ta tiến hành tuyển dụng vào các vị trí trong một dây chuyền sản xuất nhưng sinh viên mình chưa qua đào tạo, nghiên cứu, học hỏi một mắt xích vận hành nào của dây chuyền đó, trong khi những thứ đó, sinh viên các nước họ đã được đào tạo, thậm chí đã được vận hành thành thạo. Vậy thì con em mình bị loại, thất nghiệp đúng thôi. Nếu buộc phải đào tạo lại thì liệu doanh nghiệp họ có kiên trì không?

Thực trạng trên đây ở nước ngoài có như vậy không thưa giáo sư?

Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng đã đi ra nước ngoài, cái gì người ta làm tốt, tích cực thì cũng nên học. Tôi lấy ví dụ ở Đức, việc học của họ được xác định mục đích rất rõ ràng, đó là học xong bản thân đảm bảo được cuộc sống. Cái này ở mình khác, cứ thi và cứ học thôi, mục đích chẳng có và có thì cũng chẳng rõ ràng gì; có người thi và học vì bố mẹ…

Ở Đức, người ta lượng sức mình để thi và học. Họ có thể học một nghề mà sau khi học xong kiếm tiền được ngay để đảm bảo cuộc sống. Họ đăng ký học nghề cắt tóc, đầu bếp hay học làm ô sin…

Thất nghiệp thì ở nước nào cũng có nhưng ở mình thất nghiệp là cuộc sống đảo lộn, bản thân người thất nghiệp dễ bị bệnh tư tưởng, trầm cảm, thậm chí chán chường… Trong khi ở nước ngoài như nước Đức, người ta thất nghiệp nhưng cuộc sống không bị đảo lộn.

Đó là khi vào các trường đại học hay trường nghề, họ được đào tạo một cách toàn diện. Nghĩa là ra trường, sinh viên làm chủ được cuộc sống ngay, họ có thể làm được 1, 2, 3 thậm chí là 5, 6 nghề vì trong trường họ đã được trang bị các kiến thức cho các loại nghề mà sinh viên có điều kiện tiếp cận học hỏi.

Chứ không như mình, đào tạo thiếu toàn diện, đào tạo một nghề mà ra trường không làm thành nghề nên mới dẫn đến không làm đúng nghề, không làm đúng nghề thì sớm bị đào thải nếu không được đào tạo lại.

Bằng thực tiễn nghiên cứu và làm công tác quản lý giáo dục trong suốt nhiều năm liền, theo giáo sư, chúng ta cần một giải pháp gì để từng bước khắc phục tình trạng trên?

Chúng ta đã bắt được bệnh rồi nhưng thiếu đi một phương pháp để cải tổ, đổi mới thực sự cho chương trình giáo dục đại học, hướng nghiệp cho sinh viên. Cái cần làm là phải có một phát biểu tường minh cho một triết lý giáo dục để từ đó hoạch định các chính sách.

Đối với phụ huynh, học sinh phải thay đổi lại tư duy rằng, hiếu học là tốt nhưng không phải cứ bằng mọi giá phải học cho được đại học. Chúng ta phải xác định học để làm gì từ đó mới học như thế nào? Mục đích phải rõ ràng. Muốn vậy, nhất thiết phải có bộ giáo trình giáo dục đại học mới tiếp cận được các thành tựu tiên tiến trên thế giới. Cùng với đó là một phương pháp giảng dạy hiện đại.

Tôi được biết, hàng năm, Bộ GD-ĐT phát hành cuốn "Những điều cần biết", phục vụ học sinh lớp 12 có thông tin về tên trường, ngành đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh. Trong khi cái học sinh và phụ huynh cần là dự báo 5 - 10 năm nữa chuyên ngành đó có bao nhiều sinh viên được đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động thế nào thì chúng ta thiếu đi định hướng chiến lược đó.

Xin cảm ơn giáo sư!

Hiện đang có một thực tế là nhiều khu công nghiệp không tuyển cử nhân. Vì thế không ít người giấu bằng cấp cao để đi học trung cấp, cao đẳng về xin được tuyển dụng. Điều này đặt ra vấn đề gì?

Ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc khối đào tạo Cao đẳng Trường Đại học FPT cho rằng, ngoài việc doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng lao động có bằng đại học, hay như ai đó nói là người có bằng cấp cao sẽ phải trả lương cao, mất thêm bảo hiểm thì tôi lại nghĩ rằng vấn đề nó nằm ở thái độ người lao động.

Nhà tuyển dụng đã nhận thấy, một người có bằng đại học, thạc sỹ khi bố trí vào những vị trí tương đương với cao đẳng, trung cấp thì thường làm việc không chuyên tâm, có tâm thế nhảy cóc. Chính vì điều này khiến nhà tuyển dụng lo lắng, mất công đào tạo lại. Vì thế, họ tuyển những người với tâm thế thực sự khát khao muốn có việc làm để chuyên tâm làm việc ổn định.

Theo VĂN HÙNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 56
Tổng truy cập: 37140301