Giải pháp tiết kiệm nước tưới (18/03/2016)

Trao đổi với PV NNVN, PGS.TS Châu Minh Khôi, Trưởng Bộ môn Khoa học đất, Khoa Nông nghiệp - sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) đã đưa ra một số giải pháp thích ứng cho cây trồng.


PGS.TS Châu Minh Khôi

Cụ thể tưới tiết kiệm cho lúa như thế nào, thưa ông?

Biện pháp tiết kiệm nước tưới cho lúa tùy vào từng loại đất canh tác của từng vùng ĐBSCL, có loại đất giữ nước được lâu và có loại làm nước mau bốc hơi, vì vậy chúng tôi đưa ra kỹ thuật tưới giữ ngập khô xen kẽ.

Chúng ta cho bơm nước vào đồng ruộng thật đầy, ngập hơn phân nửa cây lúa (từng theo giai đoạn), sau đó để tự nhiên trong thời gian dài để chúng tự bốc hơi đi mà không cần bơm giữ mực nước cố định ngập liên tục trong đồng ruộng.

Đối với những loại đất không giữ nước làm khô nhanh trên bề mặt của đất, cần bơm tưới liên tục để giữ ruộng có nước. Đối với loại đất sét cao khả năng giữ nước sẽ cao, có thể giảm cho mực nước hạ thấp trong đồng ruộng từ 5 - 10cm dưới mặt đất thì mới cho tưới trở lại, vì trong điều kiện đó cây lúa vẫn an toàn sinh trưởng tốt.

Phương pháp tưới tiết kiệm đã áp dụng ở các địa phương nào?

Chúng tôi đã làm mô hình ở vùng đất phèn Bạc Liêu, An Giang và Hậu Giang đem lại thành công cho nông dân. Trước đây một số cơ quan ban ngành nông nghiệp của các tỉnh ĐBSCL, cụ thể như An Giang và Bạc Liêu cũng đã hợp tác với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) triển khai kỹ thuật này đối với các vùng không có trở ngại về đất, có thể canh tác 3 vụ/năm, áp dụng thí điểm vài vụ ĐX không có mưa.


Tưới tiết kiệm vẫn đảm bảo lợi nhuận SX

Hiện chúng tôi đã nghiên cứu để áp dụng thêm các vùng xâm nhiễm mặn và phèn nhẹ xem mức độ tiêu thụ nước bao nhiêu khi bơm tưới tiếp lần 2 và những lần tiếp theo trong vụ canh tác.

Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới này có ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa?

Nếu chúng ta đảm bảo cây lúa vẫn giữ được lượng nước ổn định trong đồng ruộng thì năng suất lúa không giảm mà còn có thể từ bằng đến cao hơn so với cách canh tác truyền thống trước đây.

Bên cạnh đó người sản xuất lúa sẽ có nhiều thuận lợi khác như làm đất có thời gian thoáng khí, do đó sự chuyển hóa dinh dưỡng trong đất sẽ tốt hơn, giúp cây lúa giảm đổ ngã.

Ông khuyến cáo gì cho nông dân khi đối mặt với hạn, mặn khốc liệt như hiện nay?

Mỗi vùng đất ở ĐBSCL có những hình thức áp dụng tiết kiệm nước khác nhau, còn nguyên lý thì giống nhau. Chẳn hạn trên vùng đất phèn chúng ta không để nước ngập quá sâu cho cây lúa hay để nước giảm quá sâu trong mặt ruộng so với các vùng đất phù sa.

Mỗi vùng chúng tôi đều đưa ra những khuyến cáo khác nhau cho bà con, quan trọng là điều kiện đồng ruộng luôn phải bằng phẳng để quan sát mực nước luôn giữ ở mức đồng đều và ổn định, có nơi quá trũng hay nơi quá cao cũng không nên.

Có thể nói việc áp dụng mô hình này giúp nông dân giảm áp lực được lượng nước tưới, giảm chi phí bơm tưới và thích ứng được trong mùa nước ngọt bị khan hiếm, lượng mưa phân bố không đồng đều. Nhờ đó không bị giảm năng suất lúa mà vẫn đảm bảo lợi nhuận.

Xin cảm ơn ông!

Theo HOÀNG VŨ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 260
Tổng truy cập: 37072622