Bình Dương, điểm sáng miền Đông: Nâng tầm chất lượng hàng hóa (11/03/2016)

Để sản xuất vừa hiệu quả cao vừa bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cần phải tập trung đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, và chú trọng sản xuất hàng hóa có giá trị cao, phát triển kinh tế tập thể…


Trang trại gà đẻ và gà giống của Ba Huân ở Tân Uyên, Bình Dương

Xác định mục tiêu đặt ra, trong 5 năm qua, Bình Dương đã đầu tư ngân sách cho hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp hơn 4.800 tỷ đồng.

Vai trò của chính quyền địa phương

Có thể nói, TX Tân Uyên là một trong những điển hình của Bình Dương về chương trình chuyển dịch cơ cấu, sản xuất nông nghiệp áp dụng KHKT, phát triển các mô hình sản xuất nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAP. Có được kết quả này, một phần không nhỏ nhờ vai trò của chính quyền địa phương các cấp.

Theo bà Bùi Thị Lý, Trưởng phòng Kinh tế TX Tân Uyên, để phát huy hiệu quả chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, chính quyền các cấp của Tân Uyên ngoài việc đổi mới các cơ chế, chính sách, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, còn phối hợp với các trung tâm, trường, viện khoa học để chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như: dự án Đầu tư vườn bưởi đặc sản Bạch Đằng, dự án Xây dựng vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thạnh Hội, dự án Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn ở phường Uyên Hưng, mô hình trồng lúa VietGAP tại xã Bạch Đằng…

Việc quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm của địa phương ra bên ngoài cũng là một yếu tố quan trọng để phát triển. Vì thế, đia phương luôn theo dõi sát các chương trình hội chợ triển lãm về sản phẩm nông nghiệp và tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ nông dân tham gia.

Nhờ vậy mà nhiều hợp đồng giữa người nông dân với các đối tác bên ngoài tỉnh đã được ký kết như bưởi đường lá cam đã ký hợp đồng với đối tác tại Hà Nội, ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị ở TP.HCM, rau an toàn ở phường Uyên Hưng đã đi vào siêu thị ở Bình Dương.

Vừa qua, chính quyền TX Tân Uyên cũng đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng như nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” và “Bưởi Hai Hùng” của hộ ông Ngô Minh Hùng ở xã Bạch Đằng.

Nhờ thực hiện các chính sách phát triển theo hướng ứng dụng KHKT, giá trị sản xuất nông nghiệp của Tân Uyên tăng bình quân khoảng 4,6%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,4%. Hiện nay, trên địa bàn thị xã đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như vùng sản xuất rau tập trung tại các xã, phường Thạnh Hội, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Hiệp, Uyên Hưng, Bạch Đằng…

Nếu trong lĩnh vực cây trồng, Bình Dương có khu NNCNC An Thái ở huyện Phú Giáo, thì chăn nuôi có mô hình trại gà công nghệ cao Ba Huân quy mô 18ha với tổng vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng.

Đây là một trong số những mô hình chăn nuôi hiện đại nhất ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Ba Huân đầu tư dây chuyền xử lý trứng hiện đại của Hà Lan trị giá hàng triệu euro gồm 1 nhà máy sản xuất thức ăn, 1 nhà máy ấp trứng, 22 trại chăn nuôi, một dây chuyền xử lý diệt khuẩn trứng công suất 120.000 trứng/giờ.

Bình quân mỗi ngày trang trại Ba Huân sản xuất khoảng 450.000 quả trứng và gần 3 triệu gà giống/năm. Hiện nay, trang trại Ba Huân đang nuôi giống gà thương phẩm Hyline, có nguồn gốc từ Mỹ với những đặc điểm vượt trội, bằng nguồn dinh dưỡng và quy trình đặc biệt để cho ra sản phẩm trứng gà omega-3, giúp phát triển trí não, thị lực, hệ thần kinh, tim mạch.

Kinh tế tập thể là một chìa khóa

Kể từ khi áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp, đến nay Bình Dương đã có hàng ngàn nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Trong đó có nhiều gia đình đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.


Những vườn bưởi theo chuẩn VietGAP ở Bình Dương đã có thương hiệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân

Nhiều thương hiệu đặc sản nổi tiếng như măng cụt Lái Thiêu, bưởi da xanh Thanh Thủy, quýt đường Hiếu Liêm… lần lượt ra đời. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước về vốn và KHKT, nhiều hộ nông dân đã thay đổi cách nghĩ, dám mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi mô hình từ sản xuất nhỏ sang xây dựng trang trại quy mô lớn.

Ông Nhị Văn Xum, nông dân xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, là một trong số những tỷ phú măng lục trúc chia sẻ, sau khi tham quan, học tập về mô hình trồng măng lục trúc của các hộ trong và ngoài tỉnh, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 6ha tre lục trúc để lấy măng.

“Thực tế cho thấy, KHCN đã trở thành yếu tố chính giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng năng suất, giảm giá thành, đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó cũng giúp cho người dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, từng bước áp dụng những tinh hoa của KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, các mô hình sản xuất VietGAP đang được triển khai rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh”, ông Ngô Văn Dinh - Phó Giám đốc Sở KHCN Bình Dương.

Qua việc áp dụng kỹ thuật sản xuất VietGAP do Sở KHCN hướng dẫn đã giúp cho sản phẩm măng của gia đình vừa có năng suất cao vừa đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp sạch. Sau khi trừ chi phí, bình quân gia đình ông thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm.

Cũng tại xã Trừ Văn Thố, ông Lê Hoàng Châu, có gần 3ha vườn trồng các loại cây ăn trái gồm bưởi, măng cụt, mãng cầu gai… cũng thu ngót tỷ đồng/năm, chia sẻ: Việc áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất trên vườn cây ăn trái của gia đình ông đã cho hiệu quả cao. Ngoài việc cải thiện hệ thống tưới nước tự động để điều tiết lượng nước vừa đủ cho từng loại cây, ông còn thực hiện 3 nguyên tắc trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật “đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng lúc” vừa giúp cho các loại cây ăn trái bảo đảm chất lượng, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Thực tế thời gian qua tại Bình Dương cho thấy, kinh tế tập thể (KTTT) đóng vai trò không nhỏ trong phát triển kinh tế và ổn định đời sống.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Kinh tế tập thể, hiện Bình Dương có hơn 1.000 trang trại với tổng diện tích hơn 10.700ha, khoảng 350 tổ hợp tác với gần 6.000 hội viên, được phân bố đều khắp trên các địa bàn trong tỉnh.

Hình thức hoạt động của loại hình này tại tỉnh chủ yếu là tương trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho các thành viên. Một trong những loại hình chủ chốt của KTTT tỉnh là hợp tác xã (HTX) cũng phát triển khá đồng đều.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 110 HTX hoạt động ổn định phân theo từng lĩnh vực hoạt động như vận tải, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, quỹ tín dụng nhân dân… với 56.000 thành viên, tổng vốn điều lệ 620,5 tỷ đồng. Không chỉ phát triển mạnh về số lượng, các HTX đang phát triển ổn định, giá trị sản xuất của các HTX có hoạt động thường xuyên đạt bình quân 1.143 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 4.200 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng. 

Theo PHÚC LẬP (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 75
Tổng truy cập: 36769958