Niềm vui ở 'Vương quốc rau' Quỳnh Lương (24/02/2016)

15 năm nay, Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) trở thành địa chỉ cung cấp rau màu hàng hóa nổi tiếng xứ Nghệ.


Chăm sóc cây cà chua tại HTX rau Phú Lương

Rau Quỳnh Lương đã có mặt từ Nam chí Bắc, được thị trường ưa chuộng bởi mẫu mã bắt mắt, chất lượng đảm bảo. 

Đầu năm 2016, người trồng rau Quỳnh Lương đón nhận tin vui khi HTX Phú Lương được trao chứng nhận rau VietGAP.

Cuộc “cách mạng” trong chuyển đổi cây trồng

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, cho biết: “Năng suất lúa tại các cánh đồng pha cát của Quỳnh Lương chỉ đạt 70 - 80 kg/sào (500m2). Người dân bỏ vụ lúa mùa chuyển sang trồng ngô nhưng cũng chỉ xấp xỉ 100 kg/sào.

Vì thế, đói nghèo cứ bám riết lấy cuộc sống người nông dân Quỳnh Lương, tỉ lệ hộ nghèo trên 10%. Nếu không có cuộc “cách mạng” chuyển từ trồng lúa sang trồng rau màu hàng hóa thì đến nay, đói nghèo vẫn sẽ gắn chặt vùng quê này”.

Người dân Quỳnh Lương trồng rau màu từ lâu nhưng chuyển đổi mạnh mẽ nhất khoảng từ 1995. Thời điểm đó, một số hộ dân tự phát chuyển hết đất trồng lúa sang sản xuất rau màu.

Thấy hiệu quả vượt trội, nhiều hộ dân học theo và cuộc “cách mạng” chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra như một điều tất yếu vào năm 2000.

Lúc này, xác định được hướng phát triển kinh tế giúp người dân xóa đói giảm nghèo, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân như quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ khoa học kỹ thuật giúp các nhóm xây dựng mô hình, kéo đường điện ra đồng, đầu tư hệ thống giao thông nội đồng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa...

Nhờ thế, số lượng các giếng nước được khoan, đào trên các cánh đồng màu tăng đột biến, nhiều hộ đầu tư hệ thống tưới nước bằng béc tự động hiện đại.

Bà Hồ Thị Mỹ, một hộ dân tại xóm 3, xã Quỳnh Lương cho biết, trồng hoa màu hàng hóa cho hiệu quả kinh tế vượt trội nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điều tất yếu: “Làm lúa trên đất cát này giỏi lắm cũng được 300 kg/sào/năm. Nếu trừ hết các chi phí, không lỗ cũng là may lắm rồi. Như gia đình tôi làm 1 sào cà chua Nông Hữu, sau 6 tháng sẽ cho 3 tấn quả, tính bình quân 5 nghìn đồng/kg thì sẽ đút túi 15 triệu đồng.

Sau đó làm thêm 3 vụ hành hoa nữa cũng được khoảng 5 tấn, ít nhất cũng được 20 triệu đồng nữa. Vị chi, mỗi năm, từ 1 sào đất màu, người nông dân có thể thu về trên 35 triệu đồng. Làm màu chi phí thấp, chủ yếu là ngày công lao động nhưng lại cho thu nhập cao, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo bền vững”.

Đến nay, Quỳnh Lương có 1.200/1.500 hộ dân có nguồn thu nhập chính từ rau màu; 240/240 ha đất nông nghiệp đều đã được chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng màu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đến nay chỉ còn dưới 1,5%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 29 triệu đồng/người/năm.

Niềm vui VietGAP

Sau khi diện tích, năng suất và sản lượng rau màu tăng lên, UBND xã Quỳnh Lương đã có nhiều phương án kết nối để tìm đầu ra cho người nông dân.

Nhờ được quảng bá trên website quynhluong.gov.vn, rau Quỳnh Lương đã góp mặt tại các siêu thị lớn như BigC, Metro; được tư thương thu mua, phân phối tại các chợ đầu mối từ Đà Nẵng đến Ninh Bình, Hải Phòng; hành hoa sấy khô của Quỳnh Lương từng được xuất khẩu ra nước ngoài. Sản lượng rau màu tại Quỳnh Lương xuất đi các địa phương đạt 400 - 500 tấn/năm.

“Thế nhưng, nghề trồng rau Quỳnh Lương cũng có những nốt trầm. Nhiều thời điểm, cung vượt cầu, rau ế ẩm, các mối liên kết dần bị phá vỡ, tâm lý người dân dao động. Công bằng mà nói, một phần lỗi thuộc về người dân, một số sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nên bị từ chối. Điều này đặt ra rất nhiều trăn trở cho chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương trầm ngâm.

Để giữ vững được thương hiệu, giúp các mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp được chặt chẽ, năm 2010, HTX sản xuất rau Phú Lương được thành lập. Vai trò của HTX đã được thể hiện rõ khi năng suất, sản lượng rau màu không ngừng tăng lên. Giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm, các hộ chuyên trồng cây hành hoa có thể đạt 500 - 600 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ đã đầu tư mua sắm xe ô tô bán tải để thu mua, vận chuyển rau màu đi tiêu thụ.

Hướng đến việc xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho rau màu hàng hóa, tháng 6/2015, 64 xã viên HTX Phú Lương đã triển khai mô hình trồng 10 ha rau màu tại khu vực đồng Nắc Am theo hướng VietGAP, chủ yếu là rau cải các loại, bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua, súp lơ, hành hoa.

Quy trình được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hướng dẫn, giám sát chặt chẽ từ khâu sử dụng nước tưới, đất, phân bón, sử dụng các loại thuốc BVTV đảm bảo thời gian cách ly… Đặc biệt, lần đầu tiên, nông dân Quỳnh Lương ghi nhật ký trồng rau.

Trên diện tích triển khai mô hình, các hộ xã viên đã tuân thủ chặt chẽ quy trình, sản phẩm đẹp về mẫu mã, đạt tiêu chuẩn ATVSTP. Vì thế, ngày 11/12/2015, mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Phú Lương đã được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 đánh giá và công nhận sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Tại buổi lễ trao chứng nhận VietGAP trong sản xuất rau cho HTX Phú Lương, Công ty CP Tâm Nguyên ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm 2 ha cho HTX.

Theo VÕ VĂN DŨNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 174
Tổng truy cập: 38578261