Nông nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập toàn cầu (10/02/2016)

Xét thành quả hoạt động trong các năm qua, theo các chuyên gia, nếu Việt Nam không khắc phục kịp thời những yếu kém của nông dân, doanh nghiệp, thì chúng ta.

Thời tiết nông nghiệp

Nông nghiệp thế giới trong năm qua bị ảnh hưởng lớn bởi hiện tượng El Nino xuất phát từ vùng xích đạo đông Thái Bình dương khi nhiệt độ mặt biển tăng cao hơn bình thường.


GS.TS Võ Tòng Xuân (Ảnh: CL)

Theo các chuyên gia khí tượng, nhiệt độ nước biển tăng cao tạo ra một hệ thống áp thấp nhiệt đới tràn ra cả vùng rộng lớn. Hệ thống áp thấp kéo theo hệ lụy dây chuyền cho các hệ áp cao và áp thấp trên khắp địa cầu. Vì thế thời tiết thay đổi khó luờng, cùng một thời điểm mà nơi thì mưa bão, nơi thì khô hạn.

Nhìn chung trái đất của chúng ta trong năm qua lượng mưa ít hơn, khô hạn trầm trọng nhiều lục địa nhất là Bắc Mỹ, Úc, Đông Á, Nam Á (Ấn Độ) và Nam Phi làm thiệt hại mùa màng như mía, lúa, bắp... trong khi Nam Mỹ thì thời tiết thuận lợi hơn cho mùa bắp và đậu nành.

Thời tiết nông nghiệp của nước ta năm qua tương đối thuận lợi cho hệ thống cây trồng, mặc dù nhiều vùng ven biển miền Trung và Tây Nguyên bị khô hạn kỷ lục, nhưng rồi lại mưa to làm thiệt hại mùa màng. Nhưng lượng mưa nhỏ hơn trung bình hàng năm ở vùng Tây và Đông Nam bộ đã giúp cho cây trồng cạn trúng mùa hơn như mía, bắp, khoai mì, cao su, hạt điều...

Riêng ĐBSCL nước lũ năm 2015 thấp hơn trung bình nhiều năm khiến cho nước mặn xâm nhập xa hơn trong đất liền, ảnh hưởng xấu phần nào vụ đông xuân. Nhưng nhìn chung thì sản phẩm chủ lực của nông dân ta, cây lúa, năm 2015, đã đạt được 45,2 triệu tấn, cao hơn năm 2014 khoảng 240.000 tấn.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản chính

Tổng kết thành quả sản xuất năm 2015, nước ta đã xuất khẩu được (theo Bộ NN-PTNT):

- Gạo: 6,8 triệu tấn, tăng 5,8% khối lượng; đạt 2,85 tỉ USD, giảm 2,9% giá trị.

- Rau quả: 2,2 tỉ USD, tăng 47% giá trị.

 - Cao su: Tăng 6,1% khối lượng, giảm 14,4% giá trị.

- Cà phê: 1,2 triệu tấn, giảm 20% khối lượng; đạt 2,6 tỉ USD, giảm 13% giá trị.

- Hạt điều: Khoảng 300.000 tấn, tăng 7,3% khối lượng; đạt 2,4 tỉ USD, tăng 20,2% giá trị.

- Hồ tiêu: 124.000 tấn, giảm 17% khối lượng; đạt 1,26 tỉ USD, tăng 2,8% giá trị.

- Thủy sản: Tăng 3,4% khối lượng; giảm 16,5 % giá trị.

- Gỗ và sản phẩm từ gỗ: 7,1 tỉ, tăng 10% giá trị.

Đáng chú ý hai mặt hàng rau quả nước ta đã mở được thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc là vải thiều và xoài cát Chu, đã đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu rõ rệt, và mặt hàng hạt điều chế biến cũng đạt kỷ lục xuất khẩu năm vừa qua.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp năm qua đạt 30,14 tỷ USD, thấp hơn khoảng 0,8% so với năm 2014, nhưng nhìn chung, Bộ cho rằng đây là một kết quả hết sức đáng khích lệ.

Bởi thực tế, 2015 là một năm đặc biệt khó khăn của nông nghiệp Việt Nam, một phần vì thời tiết El Nino, một phần chủ yếu vì giá bán của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ hội nhập thị trường AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) và TPP (Đối tác xuyên Thái Bình Dương), việc kim ngạch xuất khẩu không đạt so với kế hoạch cũng cho thấy vẫn còn những yếu kém của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Chuẩn bị cho hội nhập AEC, TPP, và EU

Không như không khí khá yên lặng khi đón nhận tin Việt Nam gia nhập WTO 8 năm trước đây, thì nay không khí lo âu đang bao trùm các ngành kinh tế nước ta khi chúng ta đón nhận tin chính thức gia nhập thị trường tự do AEC, TPP và EU (Hiệp hội châu Âu).

Lo âu vì đến nay các thành phần tham gia chính - nông dân và các doanh nghiệp - còn đang rất mù mờ về những nội dung của các hiệp định này, chỉ mới nghe những người đi thương thuyết về nói đến những cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam sẽ vươn cánh bay xa đến các quốc gia đối tác, mang nhiều nguồn lợi về cho nông dân, doanh nghiệp.

Xét thành quả hoạt động trong các năm qua, theo các chuyên gia, nếu Việt Nam không khắc phục kịp thời những yếu kém của nông dân, doanh nghiệp, và Nhà nước, thì chúng ta khó có thể tránh hậu quả thua trận ngay trên sân nhà. Nhìn một cách thẳng thắn, đây là một trận chiến không cân xứng lực lượng, nghĩa là chúng ta ký kết các hiệp định này với các đối tác đại đa số đều hơn ta nhiều phương diện:

- Về thu nhập bình quân đầu người: 

Trong 10 nước ASEAN, Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar chút ít. Ta đạt 1.900 USD trong khi Singapore đạt 55.000 USD/người/năm.

Trong 12 nước TPP, Việt Nam xếp hạng thứ 12, chỉ đạt ít hơn 1/3 thu nhập của Peru, nước nghèo nhất trong số 11 quốc gia giàu hơn ta.

- Về kỹ năng tham gia lao động chuyên môn: Hệ thống giáo dục Việt Nam chưa đổi mới kịp trong thời hội nhập toàn cầu, nên thua kém tất cả các nước vì phần lớn những người có trình độ đại học trở lên không thông thạo một ngoại ngữ để làm việc ngang bằng các đối tác trong vùng.

- Về trình độ phát triển công nghiệp và dịch vụ: Việt Nam thua xa các quốc gia đối tác về mặt sản xuất và quản lý thương hiệu sản phẩm, đạo đức về chất lượng, đạo đức về thương mại.

Do đó, trong suốt chuỗi giá trị hình thành các sản phẩm nông nghiệp có thể cạnh tranh thắng lợi trong thị trường mậu dịch tự do, các thành phần tham gia chuỗi, từ nhà nông đến nhà doanh nghiệp và nhà nước, phải được cải tiến hoặc đổi mới tư duy, cung cách sản xuất, tác phong lao động trong môi trường công nghiệp hóa nông nghiệp để phát huy những nông lâm thủy sản có thế mạnh của chúng ta. Trong năm 2015, chúng ta đã thấy một số tiền đề cải tiến kỹ thuật nông nghiệp đáng phấn khởi, cần được nêu ra đây:

Sản xuất lúa: Kỹ thuật sản xuất đã được cơ giới hóa hoàn toàn, từ khâu chuẩn bị đất, sạ cấy, bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, gặt đập.

Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, hạ giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh: Nông dân kết hợp sức mạnh trong hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, triệt để áp dụng qui trình GAP (nông nghiệp kỹ thuật cao), giảm phân bón urê, giảm mật độ sạ cấy, bón phân chú trọng nguyên tắc bón lót trước khi sạ cấy, bón cân đối phân hữu cơ với phân hóa học đúng thời điểm, từ đó đồng ruộng ít sâu bệnh nên nông dân không phải áp dụng quá nhiều thuốc BVTV như hiện nay đa số đang làm.

Kết quả là hạ được giá thành sản xuất 1kg lúa chỉ tốn 1.500 - 2.000 đồng so với cách làm theo lão nông tri điền phải tốn từ 3.000 - 3.800 đồng; đất ruộng được phục hồi độ màu mỡ, không còn bị chai đất nữa; đất, nước và không khí đồng ruộng không bị ô nhiễm thuốc BVTV và khí nhà kính, giảm nguy cơ biến đổi khí hậu. Khâu cuối của chuỗi giá trị là thu mua lúa nguyên liệu để chế biến gạo có thương hiệu mạnh thì đã có nhà doanh nghiệp, người đóng vai trò chủ chốt ngay từ đầu.


Nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới ở ĐBSCL (Ảnh: HĐ)

Thay đổi tập quán bón phân cho cây trồng: Nhận thấy đất ruộng và đất vườn ngày càng bị chai, cây trồng không phát triển được, nhiều nông dân đã tiếp thu kỹ thuật bồi dưỡng đất bằng nhiều loại phân hữu cơ (phân xanh, phân chuồng, phân trùn, phân xác bã thực vật có xử lý Trichoderma) và phân vi sinh kết hợp với lượng phân hóa học cân đối NPK kèm vi lượng. Những nông dân đổi mới này đã đạt kết quả rất khả quan, ruộng lúa phát triển mạnh mà không bị sâu bệnh phá hại như trước kia, vườn cam, quít, bưởi, xoài được phục hồi, nhiều trái vị ngon.

Trồng rau quả sạch trong nhà lưới, nhà kính đã trở nên ngày càng phổ biến tại các vùng trồng rau hoa quả. Đây là giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và ngoài nước, trong tình trạng sử dụng thuốc BVTV rất bừa bãi hiện nay của bà con nông dân.

Nông nghiệp trước thềm hội nhập từ năm 2016

Biết rằng chúng ta sẽ vào trận chiến không cân xứng, nhưng nếu khắc phục được những nhược điểm để phát huy những thế mạnh đặc biệt của mình, chúng ta vẫn có thể chiến thắng. Do đó ngay từ bây giờ mọi thành phần tham gia trận địa chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản cho thị truờng nội địa và xuất khẩu cần được tổ chức lại, chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm theo ý mình một cách manh mún như phần lớn chúng ta hiện nay.

Nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu những cây trồng nhiệt đới độc đáo mà Tây phương không sản xuất được thí dụ như gạo hữu cơ, gạo đặc sản, gạo trắng cấp thấp, xoài, quít, vú sữa, khóm, mít, hạt sen, bưởi, dâu, nhãn, đu đủ, cà phê, hạt điều, hạt tiêu...

Hoặc những vật nuôi quí mà Tây phương không nuôi được, như nhiều loại cá, tôm, cua, gà ta (thả vườn) hữu cơ. Những sản phẩm nông nghiệp này sẽ xâm nhập dễ dàng vào thị trường các nước thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Liên minh châu Âu (EU)... mà ít hoặc không có đối thủ cạnh tranh.


Nông dân ĐBSCL cần được chuẩn bị kiến thức trước thời cơ hội nhập (Ảnh: HĐ)

Tuy nhiên, muốn xuất khẩu thắng lợi, nông dân Việt Nam phải sản xuất sao cho đạt bốn yêu cầu sau đây: Chất lượng sản phẩm phải đạt chuẩn chất lượng an toàn quốc tế, giá thành cạnh tranh với đối thủ của ta, khối lượng lớn, và giao hàng đúng lúc theo hợp đồng.

Đây là thách thức rất lớn đối với nông dân ta, vì phần lớn bà con còn làm ăn cá thể theo kinh nghiệm không phù hợp trong thời đại hội nhập toàn cầu, sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu bệnh. Chỉ một số ít nông dân có vào hợp tác xã sản xuất lớn nhưng vẫn không có đầu ra ổn định vì hiếm được liên kết với doanh nghiệp có đầu ra.

Thêm vào đấy, hàng nông sản của các nước thành viên, nhất là hàng của Mỹ, sẽ xâm nhập vào nước ta một cách ồ ạt, mà nếu như tình trạng hiện nay người tiêu dùng Việt Nam thích mua hàng ngoại vì ăn ngon hơn và an toàn vệ sinh hơn thì hàng nông sản của nông dân ta sẽ khó bán hơn nếu không được chứng minh chất lượng an toàn.

Dĩ nhiên, từng nông dân cá thể của nước ta không thể làm được như thế mà phải hợp nhau lại gắn kết với doanh nghiệp có thị trường đầu ra để cùng làm. Thời buổi này, nếu làm ăn riêng lẻ và nếu chỉ bán sản phẩm nguyên liệu thô thì phải chịu thua thiệt. NQ26 của TW và QĐ899 của Thủ tướng tạo hành lang pháp lý để tổ chức HTX sản xuất và nhà máy chế biến sản phẩm có đầu ra ổn định.

Nhưng ai là người đứng ra tổ chức? Tổ chức phải như thế nào? Chúng ta đã có nhiều tiền đề rất thành công như chúng tôi đã kể trên đây. Nhà nước (Bộ NN-PTNT) cần nhanh chóng triển khai áp dụng những thành quả ấy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tâm huyết và kỹ thuật chuyên môn kết hợp với chương trình công nghiệp hóa khâu sản xuất từng sản phẩm nông nghiệp của đặc thù của từng vùng lãnh thổ.

Theo cách làm có hiệu quả về xóa đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp bền vững trên đây, chúng ta có thể hệ thống hóa cách tổ chức theo 10 mắt xích của chuỗi giá trị như sau:

1. Xác định nông sản chiến lược đặc thù của vùng phù hợp nhu cầu thị trường để tổ chức chiến thuật phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường đã có sẵn hoặc sẽ tìm ra (tức là từ giống cây/con đến bàn ăn của khách hàng tiềm năng). Khâu này có thể xuất phát từ chiến lược của nhà nước hoặc từ nhà doanh nghiệp đã nhận định thị trường.

2. Nhà nước (ngành Nông nghiệp) qui hoạch đất đai (bằng sinh thái đất, nước và khí hậu) thích hợp cần thiết cho chương trình.

3. Nhà nước (chính quyền địa phương) tập hợp nông dân trong vùng đất đai đã qui hoạch.

4. Nhà nước (ngành Nông nghiệp) sản xuất giống cây trồng và qui trình VietGAP sẵn sàng phân phối cho nông dân trong vùng.

5. Hình thành các doanh nghiệp có tâm với nông dân và nông nghiệp Việt Nam, và có tầm (được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thực hiện chuỗi giá trị này). Họ sẽ được nhà nước tạo điều kiện bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng này.

6. Doanh nghiệp xây dựng nhà máy hoặc khu công nông nghiệp chế biến và bảo quản nông sản với thiết bị hiện đại do quỹ khuyến khích của nhà nước (ngành Công thương và Ngân hàng Nhà nước).

7. Đào tạo nông dân qui trình kỹ thuật theo VietGAP: Nhà nước (ngành Nông nghiệp), doanh nghiệp và nhà khoa học soạn thảo qui trình VietGAP cho loại cây, con cần được sản xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp để huấn luyện tất cả nông dân tham gia sản xuất nguyên liệu cho nhà máy chế biến của doanh nghiệp.

8. Khi nông dân thu hoạch nông sản nguyên liệu, doanh nghiệp thu mua sòng phẳng, tiến hành chế biến sản phẩm, đăng ký thương hiệu, bảo quản sản phẩm đến khi xuất hàng ra thị trường.

9. Nhà nước (ngành Công thương) tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi xúc tiến thương mại tại các quốc gia thành viên của AEC, TPP, EU những mặt hàng sản phẩm có thương hiệu đã xuất xưởng.

10. Nhà nước cần triệt để và nghiêm ngặt áp dụng các luật lệ về quản lý chất lượng từng sản phẩm mà mỗi doanh nghiệp đưa vào thị trường, kiểm soát chất lượng các loại hóa chất sử dụng trên đồng ruộng, ao nuôi, tuyệt đối cấm lưu hành và tiêu hủy mọi hóa chất BVTV trong danh sách "cấm sử dụng" của WHO và FAO. Phải trừng phạt thật nặng để răn đe những hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo GS.TS VÕ TÒNG XUÂN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 277
Tổng truy cập: 36753488