Tăng cường công tác phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm (04/01/2016)

Nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N3, A/H5N8, A/H9...) xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng BCĐ quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm vừa có Công điện chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người. 

Theo thông báo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc, trong năm 2015, Trung Quốc đã có thêm 226 người mắc bệnh cúm A/H7N9, trong đó có 94 ca tử vong.

Như vậy từ tháng 3/2013 đến nay, đã ghi nhận 684 người mắc bệnh cúm A/H7N9, trong đó có 271 người tử vong tại 17 tỉnh, thành phố, đặc khu hành chính, vùng lãnh thổ của Trung Quốc và 01 trường hợp khách du lịch đến Ma-lai-xi-a, 02 trường hợp khách du lịch đến Ca-na-da.

Cho đến nay, vi rút cúm A/H7N9 chủ yếu được phát hiện trên người, gia cầm và môi trường tại Trung Quốc, trong đó có tỉnh Quảng Tây giáp biên giới với Việt Nam. Ngoài ra, trong năm 2015, Trung Quốc đã báo cáo cho Tổ chức Thú y thế giới (OIE) về các ổ dịch cúm trên gia cầm do vi rút cúm A/H5N1, A/H5N2, A/H5N6 (Đại lục) và A/H5N2, A/H5N3, A/H5N8 (vùng lãnh thổ Đài Loan).

Theo báo cáo của Đại học Hồng Kông nghiên cứu trong năm 2014-2015 trên 8618 mẫu gà khỏe mạnh bán tại chợ gia cầm sống của tỉnh Triết Giang và Quảng Đông của Trung Quốc, đã phát hiện 340 mẫu dương tính với cúm A/H7 (chiếm tỷ lệ 3,94% số mẫu) và 463 mẫu dương tính với cúm A/H9 (chiếm tỷ lệ 5,37% số mẫu).

Như vậy, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N3, A/H5N8, A/H9...) xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nêu trên.

Để chủ động ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhập vào trong nước; đồng thời hạn chế vi rút cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cộng đồng, gây thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi,...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng BCĐ quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ ngành thành viên BCĐ tập trung chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, trong đó cần chú trọng một số nội dung sau đây:

1. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp và các Sở, ban, ngành liên quan:

a) Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên về việc tiếp tục chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết để có thể ứng phó với cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người; rà soát "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người", cập nhật các chợ có buôn bán gia cầm sống, các điểm thu gom gia cầm sống có nguồn gốc không rõ ràng để tập trung giám sát, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu;

b) Phối hợp với các đơn vị chức năng của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (thành lập theo Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ) triển khai các hoạt động đấu tranh, ngăn chặn việc buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào trong nước tiêu thụ.

c) Chỉ đạo các cơ quan công an, biên phòng lập chuyên án, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và thú y để đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi vận chuyển bất hợp pháp, buôn lậu gia cầm sống, sản phẩm gia cầm vào trong nước tiêu thụ. UBND cấp huyện và cấp xã khu vực biên giới chịu trách nhiệm tổ chức kiểm soát, không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển qua biên giới đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt; chưa qua kiểm dịch thú y; không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm theo đúng quy định của pháp luật;

d) Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; tuyên truyên để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực có bán gia cầm sống sau mỗi phiên chợ;   

đ) Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán gia cầm để thực hiện thường xuyên việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc, khuyến khích áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán vi rút;

e) Tiếp tục tăng cường công tác giám sát chủ động, tổ chức lấy mẫu giám sát vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút khác trên gia cầm nhập lậu, gia cầm bán tại các chợ gia cầm sống và môi trường nhằm phát hiện sớm vi rút xâm nhập để có biện pháp xử lý kịp thời. Chỉ đạo các cơ quan y tế địa phương tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp người nghi mắc bệnh cúm, chủ động phối hợp với cơ quan thú y để điều tra xác minh, truy xuất nguồn gốc gia cầm có liên quan để xử lý triệt để. Khi phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 và chủng vi rút cúm mới xuất hiện trên gia cầm hoặc trong môi trường, báo ngay cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan thú y để ngăn ngừa vi rút phát tán ra diện rộng, bao gồm cả biện pháp tạm ngừng buôn bán gia cầm sống trong thời gian từ 07 đến 10 ngày đối với chợ có phát hiện vi rút cúm để tiêu độc khử trùng.

g) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng "Kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh động vật năm 2016", trong đó có kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2016 đạt hiệu quả cao nhất.

2. Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện Quyết định số 210/QĐ-BNN-TY ngày 14/02/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người".

b) Đối với Cục Thú y: Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động giám sát chủ động lưu hành của vi rút cúm gia cầm; tập huấn kỹ thuật lấy mẫu giám sát cúm cho cán bộ thú y địa phương, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với cơ quan thú y địa phương có nguy cơ cao để tổ chức lấy mẫu giám sát; thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập, tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía Bắc. Trường hợp giám sát phát hiện vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút khác phải xử lý‎ như đối với ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6.

c) Đối với Cục Chăn nuôi: Tiếp tục hướng dẫn các địa phương áp dụng mô hình chăn nuôi VietGAP, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm để bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, giảm thiểu nhập lậu gia cầm vào trong nước tiêu thụ.

d) Đối với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc; phổ biến các mô hình cung cấp con giống gia cầm an toàn; tuyên truyền áp dụng mô hình chăn nuôi VietGAP, đẩy mạnh xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán vi rút cúm gia cầm.

3. Các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp với chính quyền các cấp và ngành thú y để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt, góp phần ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên BCĐ quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm Công điện này và thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Theo HM (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 174
Tổng truy cập: 38578261