Bắt tay làm thanh long sạch (30/12/2015)

Những năm qua, mô hình sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được Trung tâm Khuyến nông Long An tích cực triển khai.


Các mô hình sản xuất thanh long sạch theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đang Trung tâm Khuyến nông Long An tích cực triển khai.

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Chúng tôi ghé thăm tổ hợp tác trồng thanh long sạch ấp 4, xã Bình Tâm (TP Tân An). Đây là thời điểm các hộ nông dân trong tổ hợp tác đang ra sức chong đèn thanh long, phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2016.

Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn rộng 1 ha, ông Đặng Hữu Mân, Tổ trưởng THT vừa chỉ tay sang những dãy thanh long xanh mởn vừa khoe, vườn thanh long này là công sức chung của nhiều người. Trong đó có công rất lớn của các cán bộ, kỹ sư Trung tâm Khuyến nông Long An.

Họ đã không ngại nắng mưa, bám vườn thanh long, hỗ trợ kỹ thuật cho ông cũng như 55 thành viên khác. Đây là thành quả từ dự án “Xây dựng mô hình sản xuất thanh long được chứng nhận an toàn thực phẩm” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đầu tư thực hiện”.

Ông Mân cho biết: Trong số này tôi có 1 ha tham gia mô hình thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư. Dù mới thực hiện từ tháng 8/2014 đến nay, nhưng hiệu quả khác hẳn so với trồng truyền thống.

Quả thật, khi quan sát chúng tôi thấy hầu hết các trụ đều không có cành già, cành sâu bệnh. Riêng trái thanh long gần như sạch bệnh đốm nâu.

Giải thích về điều này, ông Mân cho biết, trước đây khi sản xuất theo tập quán cũ, cây không tạo tán, thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu. Nhưng khi tham gia mô hình, mặc dù gặp không ít khó khăn vì phải tuân thủ những quy trình như cắt bỏ cành già, cành sâu bệnh, bón phân theo liều lượng.

Cùng với đó, phải thực hiện song song các quy trình sản xuất theo VietGAP. Thêm yếu tố mang đến hiệu quả trên vườn thanh long của ông Mân là nhờ chủ hộ đã mạnh dạn cắt 2 pha chong điện để né bệnh đốm nâu.

Ông Mân là một trong số 56 hộ dân của xã Bình Tâm tham gia mô hình thâm canh thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh, với tổng diện tích 30 ha.

Sau hơn 1 năm triển khai, theo đánh giá của ông Mân, tổng chi phí đầu tư cho 1 ha thanh long thực hiện mô hình chỉ tầm 150 triệu đồng, thấp hơn ngoài mô hình 20 - 30 triệu đồng do giảm đầu tư phân bón và thuốc BVTV.

Đồng thời giảm nấm bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Lợi nhuận trên mỗi ha sản xuất thanh long tăng thêm từ 50 - 70 triệu đồng so với các hộ sản xuất đại trà.

Tương tự, gia đình anh Võ Văn Tranh, ngụ cùng ấp cũng được hưởng lợi từ dự án. Anh Tranh cho biết trước đây, gia đình anh làm lúa nhưng hiệu quả kinh tế thấp nên chuyển sang canh tác thanh long.

Được Hội Nông dân xã vận động tham gia vào THT trồng thanh long theo hướng an toàn thực phẩm, dưới sự hỗ trợ KHKT, tài liệu của Trung tâm Khuyến nông Long An, anh Tranh hăng hái tham gia.

“Trước giờ mình làm thanh long cứ theo tập quán cũ nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Giờ được khuyến nông xuống tận vườn hỗ trợ kỹ thuật, lại còn được dự án trợ giúp đầu tư máy băm dây thanh long, cho tiếp cận nhà phân phối phân bón, thuốc BVTV với giá ưu đãi thì còn gì sung sướng bằng”, anh Tranh nói.

Thay đổi thói quen cũ

Phải có chế tài đối với các hộ sản xuất cắt tỉa cành, trái nấm bệnh vứt bỏ ngay ranh giới vườn, dọc đường đi và kênh mương nước. Bởi đây chính là nguyên nhân lây lan nguồn bệnh, ảnh hưởng chung đến toàn khu vực.

Chỉ hơn 1 năm áp dụng, mô hình “Sản xuất thanh long được chứng nhận an toàn thực phẩm” đã được nhiều nông dân trong xã Bình Tâm nhiệt liệt hưởng ứng. Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tâm cho biết, việc triển khai mô hình đã giúp nâng cao rõ rệt trình độ sản xuất của người nông dân.

Trước đây, người dân trồng thanh long theo hướng tự phát, mạnh ai nấy làm, không hề có định hướng trước. Do đó, trái thanh long làm ra chất lượng kém, giá bán không cao.

Khi mô hình triển khai, tổ hợp tác được thành lập, các thành viên học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận quy trình sản xuất thanh long sạch, bền vững.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết hiện nay, hướng sản xuất thanh long sạch ở Long An đã được nhiều tổ chức, hộ gia đình tham gia với nhiều hình thức, như mô hình liên kết sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Đây là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, diện tích mô hình còn nhỏ so với diện tích sản xuất trong vùng. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động và phát động phong trào nông dân sản xuất thanh long sạch, thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết.

Các công tác khuyến nông như vệ sinh vườn, cắt tỉa, thu gom, xử lý cành, trái nấm bệnh bằng chế phẩm sinh học BIO-ADB theo quy trình phải được chú trọng thực hiện.

Theo THANH SA-HỒ CHÍ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 189
Tổng truy cập: 38533804