Vực dậy chè Hà Nội (18/12/2015)

Hà Nội có diện tích chè khá lớn, khoảng 3.059 ha, chủ yếu ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ.


Cần xây dựng thương hiệu chè Hà Nội

Nhiều năm qua, chè đen xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nên người dân chuyển sang trồng, chế biến chè xanh hoặc trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp; không coi trọng việc thay thế giống, đầu tư tiến bộ kỹ thuật vào SX... Sản phẩm chè của Thủ đô trở nên vô danh giữa “rừng” chè danh tiếng của cả nước.

Để góp phần thúc đẩy ngành chè phát triển, năm 2015 Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã xây dựng mô hình phát triển SX và tiêu thụ chè an toàn. Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ tiến hành kiểm tra, rà soát chọn điểm, triển khai và chỉ đạo mô hình.

Cùng các xã, HTX tổ chức tập huấn, cán bộ, nông dân về công tác quản lý, quy trình kỹ thuật thâm canh chè an toàn, thâm canh chè theo VietGAP, trồng thay thế giống chè mới, áp dụng kỹ thuật cơ giới hóa vào SX, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm...

Diện tích thực hiện 18 ha, được triển khai tại 3 xã nhằm tuyên truyền cho nông dân chuyển đổi, thay thế dần giống chè cũ năng suất, chất lượng thấp và áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới vào SX.

Mô hình thâm canh chè VietGAP với diện tích thực hiện 20 ha nhằm tuyên truyền nâng cao ý thực trách nhiệm của người SX đối với sức khỏe của con người, với cộng đồng và môi trường. Ngăn chặn các mối nguy độc hại từ hóa chất, vi sinh vật, kiểm soát các đối tượng dịch hại, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tuy làm được khá nhiều việc nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như diện tích manh mún không tập trung, còn nhiều diện tích trồng xen cây ăn quả, cây lâm nghiệp, nhiều năm qua không được đầu tư thâm canh và cơ bản các nương chè đã già cỗi, xuống cấp.

Các vùng SX chè là vùng đất, dốc nghèo kiệt dinh dưỡng, hệ thống giao thông đi lại khó khăn, thủy lợi ít được quan tâm (thủy lợi phần lớn nhờ nước trời).

Hiệu kinh tế SX còn thấp, do năng suất kém, tốn nhiều công thu hái, chất lượng trung bình, không đồng đều chủ yếu (giống trung du lá nhỏ già cỗi và giống PH1) trong khi đó giá cả vật tư nông nghiệp phục vụ ngày công lao động phục vụ SX luôn có chiều hướng tăng cao.

Cơ chế chính sách hỗ trợ phục vụ nông nghiệp chưa đồng bộ, chưa kịp thời đúng trọng tâm, trọng điểm. Sản phẩm chè an toàn tại các mô hình tuy đã đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định nhưng việc SX, tiêu thụ sản phẩm chưa thành hệ thống đồng bộ, giá sản phẩm không ổn định nên làm ảnh hưởng đến hiệu quả của mô hình.

Bà Hoàng Thị Hòa, GĐ Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đề xuất, kiến nghị một số giải pháp: Thứ nhất cây chè là cây lâu năm có chu kỳ khai thác 25-30 năm. Trong khi đó các vùng trồng chè của Hà Nội hầu như đã hết chu kỳ khai thác nên thời gian tới cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ cho nông dân các vùng trồng mới, trồng thay thế giống chè mới phù hợp với các vùng SX tập trung.

Thứ hai là đầu tư thí điểm hệ thống tưới nước tiết kiệm cho chè để tăng năng suất, giá trị sản phẩm và phát triển SX. Trên cơ sở xây dựng mô hình thí điểm, đánh giá so sánh, tuyên truyền cán bộ, nông dân dần từng bước tăng nhanh diện tích chủ động tưới, tiến tới tưới theo yêu cầu phát triển của cây chè.

Từng bước áp dụng công nghệ tưới hiện đại, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đồng bộ. Có chính sách đầu tư xây dựng trạm cấp nước tập trung hỗ trợ (một phần hoặc toàn bộ chi phí) hay hỗ trợ thiết bị bơm, tưới nước cho hộ hoặc nhóm hộ.

Thứ ba là tăng cường công tác quản lý, giám sát SX chè an toàn, đặc biệt ở những vùng SX tập trung để nâng cao ý thức trách nhiệm của người SX, kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về SX và tiêu thụ chè an toàn, đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững.

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới tiêu thụ nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.

Cuối cùng là công tác đào tạo, tập huấn về quản lý, kỹ thuật chuyên ngành phải được thực hiện thường xuyên để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nông dân trong SX và thâm canh chè an toàn, chè VietGAP.

Việc tuyên truyền xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chè cần đa dạng hơn, ngoài việc tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng như đài, báo thì rất cần xây dựng website giới thiệu, quảng bá về chè an toàn Hà Nội.

Theo PV-nongnghiep.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 81
Tổng truy cập: 37043037