Đột phá khuyến nông đô thị (14/12/2015)

So với cả nước, Tp.HCM là địa phương được đánh giá đi đầu phát triển nông nghiệp đô thị, thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Thành phố đang dần trở thành vùng nông nghiệp đô thị phát triển toàn diện, chuẩn mực. Đóng góp cho sự thành công ấy, không thể không kể đến vai trò tích cực trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn áp dụng tiến bộ KH- CN, thực hiện các mô hình trình diễn vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống cho nông dân của Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM.

Nhân sự kiện này, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng ThS Võ Ngọc Anh, GĐ Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM về hoạt động cũng như những thành tựu đã đạt được của Trung tâm trong công tác khuyến nông gắn với tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.


ThS Võ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM

Nhiều thành tựu nổi bật

Thưa ông, việc đổi mới hoạt động khuyến nông, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Trung tâm đã triển khai thực hiện như thế nào?

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai các nội dung sát các chương trình trọng điểm của Tp.HCM, chủ yếu tập trung tại các xã xây dựng nông thôn mới.

Các mô hình khuyến nông đều thiết thực, đúng trọng điểm. Các hình thức tuyên truyền tập huấn, tham quan, hội thảo, chuyển giao các quy trình trồng rau, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăm sóc và bảo vệ thực vật tạo chuyển biến, nhằm hướng đến sản xuất an toàn, bền vững.

Trung tâm cũng hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất rau, hoa, như: hệ thống tưới tiết kiệm, máy làm đất, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy vắt sữa, băm thái cỏ, trộn thức ăn cho chăn nuôi bò sữa,...

Bên cạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học, Trung tâm đã cùng địa phương tổ chức các hình thức liên kết sản xuất và xây dựng tổ hợp tác, kết nối để tiêu thụ sản phẩm của nông dân với các doanh nghiệp, chợ đầu mối, siêu thị…

Hiện nay, TP đang tập trung thực hiện các chương trình tái cơ cấu, chương trình xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành cơ bản xây dựng nông thôn mới ở 56 xã.

Đâu là cái được lớn nhất của ngành Khuyến nông Tp.HCM?

Cái được lớn nhất đó là đã nâng cao nhận thức, chuyển giao kỹ năng thực hành cho nông dân, sản xuất theo quy trình VietGAP trong sản xuất rau, trong chăn nuôi heo, chăn nuôi bò sữa, nuôi tôm, làm cho nông dân nâng cao được nhận thức, có trách nhiệm với cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất của mình.

Thứ hai, đã khuyến khích và hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả công lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất trên cây rau, hoa lan và trên bò sữa.

Các mô hình cơ giới hóa rất được bà con nông dân hoan nghênh. Trung tâm chuyển giao giống mới, giống có chất lượng, góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, tăng cơ hội lựa chọn đối với đối tượng nuôi trồng phù hợp với bà con nông dân trên địa bàn.

Hoạt động khuyến nông trọng điểm của Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM nhằm thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị đã đạt nhiều thành tựu như các chương trình rau an toàn VietGAP; hoa kiểng (lan, mai, cây kiểng); thủy sản, cá cảnh; chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi heo GAHP; cơ giới hóa trong sản xuất rau ở công đoạn làm đất, tưới nước, phun thuốc, hệ thống tưới phun trên cây hoa lan, cơ giới hóa khâu vắt sữa, băm thái cỏ, áp dụng thức ăn TMR, hệ thống làm mát chuồng trại bò sữa…

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy lợi giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 5,8%/năm. Mở rộng diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác từ 158,5 triệu đồng/ha/năm (năm 2010) lên 325 triệu đồng/ha/năm (hiện nay).

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dần theo hướng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung với các loại hình tổ chức sản xuất quy mô lớn, hiện đại (kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, làng nghề, doanh nghiệp).

Sáng tạo những cách làm hay

Trong việc xây dựng nông thôn mới, ngành khuyến nông đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân?

Xác định chỉ có phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân mới giảm nghèo, tăng hộ khá và giải quyết hàng loạt vấn đề của nông dân, nông thôn, nông nghiệp đặt ra.

Cách làm của ngành Khuyến nông chúng tôi là cùng với chính quyền, hộ nông dân và người dân tại địa phương cùng ngồi lại bàn bạc cụ thể với nhau.

Sau đó, chúng tôi sẽ xây dựng các mô hình sản xuất gắn với đặc thù, phù hợp điều kiện tự nhiên của từng địa phương.

Đơn cử như tại huyện Củ Chi, mô hình nuôi bò sữa ở các xã Tân Thông Hội, Tân Thạnh Đông, Tân Phú Trung… đã được chúng tôi hỗ trợ các hoạt động khuyến nông và chỉ thời gian ngắn phát triển đàn lên đến hàng chục ngàn con, góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.

Tại các xã Thái Mỹ, Trung Lập Thượng, An Nhơn Tây, Trung Lập Hạ…, mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng hoa lan, nuôi cá giống đang phát triển mạnh, với quy mô từ vài hộ lúc đầu tăng lên hàng trăm hộ mỗi xã.

Nhiều hình thức hợp tác như: tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, HTX… được người dân tại nhiều địa bàn đứng ra thành lập và đi vào hoạt động đã hình thành nên những vùng sản xuất nông nghiệp, bảo đảm các yếu tố khép kín từ đầu vào đến đầu ra, làm tăng giá trị của 1ha đất có nơi lên đến 400 - 500 triệu đồng/năm.

Điển hình tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi với mô hình trồng lan Mokara cắt cành có hộ ông Trần Văn Thà, ấp Mỹ Khánh B, với diện tích 1.000m2, thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm và hiện nay đang mở rộng thêm 1.000m2, nâng tổng diện tích trồng lên 2.000m2. Hộ ông Nguyễn Văn Phên, ấp Bình Thượng 1 với 1.000m2, mỗi năm thu lãi từ 90 - 100 triệu đồng; đang mở rộng thêm 500m2 và tăng diện tích trồng lên 1.500m2…

Để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời gian sắp tới, Trung tâm đã có những giải pháp nào?

Cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), Hiệp định thương mại tự do với Châu Âu, Hội nhập cộng đồng ASEAN, ngành nông nghiệp đối mặt những thách thức lớn cần phải vượt qua.

Theo đó hoạt động khuyến nông cần tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố, sản xuất thực hành tốt theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị, tạo ra sản phẩm đa dạng, năng suất cao, an toàn bền vững, kết nối với thị trường.

Từ nay đến năm 2020, hoạt động khuyến nông ưu tiên đầu tư cho các đối tượng cây con có ưu thế cạnh tranh, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị như rau an toàn, hoa cây kiểng, cá cảnh;

Phát triển sản xuất tập trung thành vùng không phân tán, hướng đến sản xuất hàng hóa chủ lực gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Áp dụng khoa học- công nghệ cao, công nghệ sinh học; áp dụng cơ giới hóa sản xuất đồng bộ, khai thác tốt công nghệ thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền khuyến nông qua truyền hình, phát thanh, báo chí, tư vấn qua mạng, điện thoại…

Đội ngũ cán bộ viên chức, khuyến nông viên phải không ngừng rèn luyện để nâng cao năng lực nghề nghiệp, tổ chức sắp xếp bộ máy cho tinh gọn, tiếp cận và áp dụng nhanh các kiến thức công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Khai thác tốt ưu thế về công nghệ thông tin truyền thông để tăng nhanh giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp làm ra có sức cạnh tranh cao; Tự tin hội nhập cùng thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo THANH SA - HỒ CHÍ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 173
Tổng truy cập: 36974902