Ấn tượng Hóc Môn (14/10/2015)

Ngày 25/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận Hóc Môn (TP.HCM) là huyện NTM.


Trung tâm TDTT huyện Hóc Môn

Phải khẳng định rằng, Hóc Môn rất thành công trong việc tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia, đóng góp sức người, sức của, cùng chính quyền xây dựng NTM.

Người dân tích cực đóng góp

Về Hóc Môn những ngày cuối tháng 9, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự thay da đổi thịt ở đây. Hóc Môn đang như một cô gái trẻ trung, khoác thêm chiếc áo lộng lẫy.

Ông Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Hóc Môn cho biết, trước năm 2010, toàn huyện có hơn 11.000 hộ nghèo, với 49.113 nhân khẩu, thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm.

Sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM, thu nhập của người dân tăng lên 44,9 triệu đồng, đã có hơn 15.000 hộ thoát nghèo, chỉ còn hơn 500 hộ nghèo. Cần nói thêm rằng, chuẩn hộ nghèo của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là 16 triệu đồng/người/năm; giải quyết việc làm cho trên 28 ngàn lao động.

Nổi bật nhất trong việc đóng góp của người dân khi xây dựng NTM ở Hóc Môn là hiến đất làm đường. Đến nay, người dân đã hiến cho Chương trình NTM hơn 272 ngàn m2 đất, hàng ngàn ngày công, vật kiết trúc trị giá hàng chục tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Cáo, ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, người hiến gần 1.500 m2 đất để mở rộng con đường liên thôn bên hông nhà từ 1 lên 5 m, hồ hởi nói: “Hồi trước, con đường này nhỏ và lầy lội lắm. Đất ở đây cũng chỉ vài trăm ngàn/m2, từ lúc mở ra 5 m, trải nhựa, đất lên 5 triệu đồng/m2. Nhìn thấy con đường đẹp có đóng góp của mình, tôi vui lắm”.

Thống kê của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Hóc Môn cho thấy, hiện toàn huyện đã sửa chữa, nâng cấp 228 tuyến đường, với tổng chiều dài 95 km.

Ngoài ra, các xã cũng đã vận động nhân dân, DN cùng chung sức tham gia xây dựng nông thôn, thực hiện bê tông hóa các hẻm, ngõ xóm từ đầu chương trình đến nay được 447 tuyến, dài hơn 53 ngàn mét, tổng kinh phí 29 tỷ đồng.

Để nâng cao thu nhập bền vững, huyện đã đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đã hỗ trợ cho 1.687 lượt hộ nông dân vay 189 tỷ đồng để SX, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ban, ngành bảo lãnh tín chấp cho  hơn 13 ngàn lượt hộ vay gần 500 tỷ đồng.

Đến thăm HTX nông nghiệp - Dịch vụ Ngã ba Giồng, ở xã Xuân Thới Thượng, ông Trần Ngọc Yên, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết HTX với 52 xã viên, có 28 ha trồng rau quả, gia vị, SX theo tiêu chuẩn VietGap, toàn bộ sản phẩm qua sơ chế được cung cấp cho hệ thống siêu thị.

Từ đầu năm đến nay, HTX đã cung cấp cho thị trường hơn 3.000 tấn rau các loại, doanh thu gần 10 tỷ đồng. HTX đang SX có lãi, hiệu quả cao. Người dân làm rau không kể đêm ngày, thu nhập cao hơn đi làm công nhân.

Còn chị Nguyễn Thị Hà, công nhân đang sơ chế rau sạch trong khu nhà xưởng cho biết, thu nhập bình quân ở đây là 3 triệu đồng/tháng.

Đầu tư cho thế hệ trẻ

Báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Hóc Môn cho thấy, sau 5 năm xây dựng NTM, quy mô giáo dục của huyện được duy trì ổn định và phát triển.


Trường Tiểu học Võ Văn Thặng

Số trường học tăng 16%, số học sinh tăng 51%, giáo viên tăng 32%. Sở dĩ có những con số tăng đột biến về giáo dục là vì cả 10 xã của huyện đều có đủ ba cấp học là mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Huyện có 49/62 trường học đạt chuẩn quốc gia các loại.

Chúng tôi đến thăm trường Tiểu học Võ Văn Thặng, ở xã Nhị Bình, ai cũng trầm trồ ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng ngôi trường khá hoành tráng vừa xây xong chưa lâu.

Ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Nhị Bình, cho biết: “Trường được xây dựng với tổng kinh phí 132 tỷ đồng, hiện có hơn 1.000 học sinh đang theo học. Trước kia nhiều cháu không đi học, nhưng từ khi trường xây dựng khang trang, tất cả các cháu đều được đến trường”.

Ông Chiến cho biết thêm, vốn đầu tư cho Chương trình NTM ở Nhị Bình là gần 600 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách chiếm tới gần 67% (hơn 397 tỷ đồng) còn lại là DN và vốn vay tín dụng. Riêng nhân dân đóng góp gần 100 tỷ đồng.

Trước năm 2010, thu nhập bình quân của người dân Nhị Bình là hơn 17 triệu đồng/người/năm, nay là 41,5 triệu đồng. Xã có HTX thương mại dịch vụ, HTX cá sấu giống, 4 tổ hợp tác SX rau, SX nhang, trồng hoa, cây cảnh. Bình quân SX nông nghiệp đạt 127 triệu đồng/ha/năm.

Dẫn chúng tôi sang tham quan trạm y tế xã nằm bên cạnh Trường Tiểu học Võ Văn Thặng, ông Chiến tâm sự, xây dựng NTM thì tiêu chí nào cũng quan trọng, cũng cần đầu tư, nói cách khác là đầu tư toàn diện.

Nhưng sức khỏe người dân, trình độ dân trí là một trong những tiêu chí quan trọng. Có một ngôi trường tốt, con em chúng ta sẽ có điều kiện tốt hơn để học tập. Có một trạm y tế đầy đủ trang thiết bị, hiện đại, sức khỏe người dân địa phương sẽ được chăm sóc tốt hơn.


Sơ chế rau VietGap ở HTX Ngã Ba Giồng, xã Xuân Thới Thượng

Nếu người dân bị ốm đau thông thường, không cần phải đi đến các bệnh viện dưới thành phố, vừa xa vừa gây áp lực quá tải cho bệnh viện. Vì thế, bằng mọi giá xã phải đầu tư trường, trạm.

Ông Chiến cho biết thêm, trạm y tế xã được đầu tư hệ thống máy móc khám chữa bệnh khá hiện đại, như máy siêu âm 4 chiều, máy chiếu, soi chụp… và hiện trạm vẫn đang hoàn thiện, đầu tư thêm.

Theo Phúc Lập (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 124
Tổng truy cập: 36974902