Bình Thuận phấn đấu có 10.500 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu (03/07/2024)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Hồng Hải vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP

Mục tiêu của chương trình là nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long Bình Thuận, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.


Đóng gói trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình nông dân Đinh Xuân Đào, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Theo đó, phấn đấu trong năm 2024, toàn tỉnh có 10.500 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Những người thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP này là các tổ hợp tác, nhóm liên kết trồng thanh long; các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình và các cá nhân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đăng ký tham gia và xây dựng các tổ hợp tác/nhóm liên kết, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đúng quy định.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận căn cứ trên cơ sở diện tích đã phân bổ, tiến hành vận động, hướng dẫn giúp nông dân và các tổ chức xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô hợp lý để thuận lợi trong quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau này.

Đối với diện tích thanh long còn hiệu lực chứng nhận VietGAP, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường đánh giá định kỳ và đột xuất để duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra nội bộ (ít nhất mỗi năm một lần) và lưu hồ sơ trong quá trình thực hiện.

Tập trung hướng dẫn để giúp các tổ chức, cá nhân sản xuất theo đúng yêu cầu VietGAP và thực hiện các thủ tục đăng ký tái cấp chứng nhận đúng thời gian quy định. Kiểm tra, đánh giá để xem xét cấp lại giấy chứng nhận đối với các cơ sở có yêu cầu.

Đối với diện tích thanh long cần đăng ký chứng nhận mới và tái cấp chứng nhận VietGAP trong năm 2024, các sở, ngành, địa phương phải tiến hành khảo sát, phân tích đánh giá các chỉ tiêu của mẫu đất, nước ở vùng sản xuất. Song song đó là triển khai đào tạo, hướng dẫn các quy định yêu cầu về VietGAP, tổ chức lấy mẫu quả thanh long và cấp giấy chứng nhận. Sau khi chứng nhận phải công bố chất lượng sản phẩm, các yếu tố vệ sinh theo yêu cầu của VietGAP rộng rãi cho nhiều người cùng biết…


Nông dân Đinh Xuân Đào bên vườn thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Ông Đào là một trong 100 nông dân đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Ảnh: Bùi Phụ

Thanh long Bình Thuận giảm hơn 7.000ha

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, tính từ đầu năm đến cuối tháng 6/2024, diện tích và sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục giảm. Đến nay, toàn tỉnh còn 26.550ha, sản lượng 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 325.000 tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, năm 2020, diện tích cây thanh long của địa phương là trên 33.700ha, cho sản lượng đạt trên 650.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, diện tích thanh long đã giảm hơn 7.000ha, sản lượng ước đạt trên 570.000 tấn/năm.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do có những thời điểm xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn, giá cả luôn biến động ở mức thấp, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của nông dân. Do đó, thời gian qua, nhiều nông dân đã phá bỏ và không chăm sóc hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.


Các sản phẩm chế biến từ trái thanh long Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Có thể nói, gần 20 năm qua, cây thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người nông dân còn ít mặn mà với loại cây "làm giàu" này nên đã có nhiều gia đinh chuyển sang trồng lúa. Trong số này có nhiều hộ nông dân ở huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc.

Một nông dân trồng thanh long ở xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, đầu năm 2024, gia đình ông quyết định bỏ gần 3 sào thanh long để chuyển sang trồng lúa. Lý do chuyển là do kinh phí đầu tư thanh long cao, nhưng mấy năm gần đây giá bán thanh long thường bị biến động, giá thấp đã làm bà con ngán ngẩm…


Thanh long ruột đỏ sấy khô, một trong những món ngon mà du khách đến Bình Thuận đều tìm mua... Ảnh: Tô Thanh Long

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, những mặt hàng thanh long những năm gần đây có xu hướng năm sau giảm so với năm trước. Dù thanh long được xác định là cây trồng chủ lực nhưng thời gian qua, việc sản xuất thanh long ở Bình Thuận vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Đặc biệt là vùng sản xuất quy mô lớn chưa được nhiều, chưa tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, khâu bảo quản chế biến còn yếu, thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, giá cả bấp bênh; liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chưa bền vững;… cùng với giống thanh long bị thoái hóa ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất thanh long.

Liên kết hỗ trợ người trồng thanh long

Theo ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, việc UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030 là cần thiết và hợp với tình hình thực tế...

Cũng theo ông Phan Văn Tấn, thông qua đề án trên, thời gian tới các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận sẽ củng cố, xây dựng lại vùng sản xuất thanh long tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng những điều kiện trong nước và ngoài nước. Qua đó sẽ liên kết với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng tiêu thụ cho bền vững, hỗ trợ bà con xây dựng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc; xây dựng chính sách hỗ trợ cho người trồng thanh long…

Theo Bùi Phụ/ danviet.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 142
Tổng truy cập: 38462663