Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của thanh niên (02/11/2023)

Tại các huyện miền núi của Quảng Ngãi có rất nhiều sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các hợp tác xã xây dựng nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP như: ớt xiêm, ổi, gạo lúa rẫy, măng nứa, chuối hột rừng sấy khô, mít, nấm linh chi…

Những sản phẩm này đều do đoàn viên, thanh niên trên địa bàn sản xuất và phát triển với mong muốn quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, tăng sản lượng tiêu thụ, giúp đồng bào phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Chị Phạm Thị Trầm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên (H.Sơn Tây, Quảng Ngãi), cho biết sau hơn 3 năm thành lập hợp tác xã đã hình thành và phát triển được nhiều nhóm hộ sản xuất, gắn với các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi như ổi, bưởi, heo ky, bò... Trong đó, nổi bật là nhóm liên kết trồng ổi đã phát triển được 4 ha và hiện cho thu hoạch bình quân 4 tấn/tháng.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của thanh niên - Ảnh 1.

 

Nhiều sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được bày bán tại Phiên chợ Thanh niên do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức

 

"Sản phẩm ổi Sơn Liên đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch và mã QR. Mô hình này mang lại thu nhập bình quân cho các thành viên của nhóm trồng ổi hơn 5 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập ổn định đối với người dân vùng cao", chị Trầm cho biết thêm.

Ngoài mô hình khởi nghiệp của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên, trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Ngãi cũng có rất nhiều mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, có cuộc sống ổn định.

Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Lê Văn Vin, Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.

Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời tư vấn, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên tiếp cận các nguồn vốn thuộc kênh Ngân hàng Chính sách xã hội để tham gia vay vốn phát triển kinh tế. Từ đầu năm đến nay đã cho 651 thanh niên vay vốn phát triển kinh tế với số tiền hơn 84 tỉ đồng. 

"Qua đó, triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt chú trọng triển khai các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về xây dựng hình ảnh, thương hiệu và quảng bá tuyên truyền sản phẩm", anh Vin nói.

 

Theo Hải Phong thanhnien.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 158
Tổng truy cập: 38825724