JFS-C: Cơ hội để nông sản Việt chinh phục thị trường Nhật Bản (21/10/2023)

Doanh nghiệp đạt chứng nhận tiêu chuẩn JFS-C cũng giống như đã được cấp “hộ chiếu”, “giấy thông hành” để hàng hóa dễ dàng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và các thị trường tin dùng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và cũng là thị trường nhập khẩu nhiều mặt hàng thủy sản, cà phê, rau quả, sắn… của Việt Nam.

Với 4 hiệp định thương mại mà Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên phát triển thương mại, đầu tư; trong đó có thương mại nông lâm thủy sản.

Riêng với thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, Nhật Bản là 1 trong 4 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt với sản phẩm tôm thì Việt Nam là nguồn cung số 1 tại thị trường này với từ 25-26% thị phần.

Tính chung 9 tháng của năm 2023, xuất khẩu thủy sản vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, riêng với thị trường Nhật Bản, mức giảm chỉ tương đương âm khoảng 13-14%. Điều đó cho thấy Nhật Bản có nhu cầu thủy sản tốt, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm của Việt Nam cũng rất quan tâm và tìm hướng để xuất khẩu vào thị trường này.

“Tuy nhiên, các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu vào Nhật Bản đều có sự giám sát, quản lý chặt chẽ về dư lượng, an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết và nhấn mạnh rằng:

“Nhật Bản có quy định khắt khe về kháng sinh và vi khuẩn gây bệnh. Nếu doanh nghiệp chỉ vi phạm 1 lần về an toàn thực phẩm thì sẽ bị nâng cấp kiểm soát, thậm chí có thể bị kiểm soát 100%. Chỉ khi doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của thị trường Nhật Bản và trở thành bạn hàng tin cậy thì việc phát triển thương mại khá thuận lợi".

Chia sẻ về tiêu chuẩn JFS-C, ông Masanori Kotani, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Thư ký Hiệp hội quản lý An toàn thực phẩm Nhật Bản (JFSM), cho biết: JFS-C là bộ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế do JFSM xây dựng và được Tổ chức Sáng kiến an toàn thực phẩm toàn cầu (GFSI) công nhận phù hợp với các yêu cầu mới nhất về chuẩn mực an toàn thực phẩm.

JFS-C cũng là 1 trong 14 chương trình chứng nhận đã được GFSI công nhận và được phê duyệt đầu tiên ở khu vực châu Á vào tháng 10/2018. Đến nay, bộ tiêu chuẩn JFS-C đã được các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm Nhật Bản tại châu Á tin tưởng và đang mở rộng áp dụng ngày càng rộng rãi.

Ông Masanori Kotani nhấn mạnh rằng, nếu doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn này cũng giống như đã được cấp hộ chiếu, giấy thông hành để hàng hóa dễ dàng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và nhiều thị trường khác tin dùng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Các tiêu chuẩn JFS được JFSM xây dựng dựa trên tiêu chuẩn nền tảng là HACCP Codex (chính), ISO 22000 là các Jure Standard và đồng thời đáp ứng các yêu cầu của GFSI - Tổ chức Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn Cầu. Vì vậy JFS-C được xem là một tiêu chuẩn tiên tiến trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tuy còn khá mới ở một số khu vực trên thế giới, nhưng JFS-C có những đặc trưng riêng rất phù hợp với các khu vực ở châu Á và thị trường tin dùng tiêu chuẩn thực phẩm của Nhật Bản.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert cho biết, tuy việc áp dụng tiêu chuẩn tự nguyện, nhưng khi đối tác nhập khẩu chưa biết nhiều về doanh nghiệp xuất khẩu thì chứng nhận JFS-C sẽ tạo sự tin tưởng hơn cho đối tác về chất lượng các sản phẩm.

Việc các doanh nghiệp đã có chứng nhận Hệ thống quản lý khác, nếu chuyển sang chứng nhận JFS-C cũng không có quá nhiều phức tạp vì đây là bộ tiêu chuẩn tiên tiến có thể áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Có thể nhận thấy rằng, thông qua VinaCert – Tổ chức đầu tiên tại Đông Nam Á cung cấp dịch vụ chứng nhận tiêu chuẩn JFS-C, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, thực phẩm đăng ký áp dụng hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn JFS-C khá thuận tiện, không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng giao dịch với các công ty Nhật Bản, mà còn thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp thực phẩm an toàn của Việt Nam.

Vị trí và vai trò của tiêu chuẩn VietGAP

Khái niệm GAP được ra đời từ năm 1997 và được xây dựng bởi những nhà bán lẻ châu Âu (Euro-Retailer Produce Working Group) nhằm giải quyết mối quan hệ bình đẳng và trách nhiệm cần thực hiện giữa người sản xuất sản phẩm nông nghiệp và khách hàng của họ.

Ngày 7/9/2007, hệ thống EurepGAP của châu Âu được nâng lên thành GLOBALGAP. Đây là tiêu chuẩn quy trình sản xuất của tổ chức, doanh nghiệp làm ra sản phẩm được áp dụng cho rau, cây ăn quả, động vật, gia súc, thủy sản. Tiêu chuẩn bao trùm một chuỗi quy trình sản xuất xuyên suốt. Bao gồm: nguồn giống, gieo hạt giống cho đến khi thành phẩm. Và đưa sản phẩm ra khỏi nông trại, lưu thông trên thị trường.

Các tiêu chuẩn chung của GAP là: Các tiêu chuẩn GAP trên thế giới

– An toàn thực phẩm.

– An toàn cho môi trường.

– An toàn Sức khỏe và an sinh xã hội.

– An toàn của người lao động.

– Truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tại Việt Nam, tiêu chuẩn VietGAP được biên soạn dựa trên quy định của các Luật: Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước,...), hướng dẫn của FAO và tham khảo quy định tại các tiêu chuẩn AseanGAP, GlobalGAP, EurepGAP, HACCP.

Do vậy, các Farm đang áp dụng và đạt chứng nhận VietGAP chính là nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Nhật Bản cũng như các nước tin dùng tiêu chuẩn kiểm soát an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Tiêu chuẩn JFS-C được xem là “hộ chiếu”, “giấy thông hành” để doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp triển khai và phát triển các chuỗi liên kết khép kín, tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản, góp phần đảm bảo chất lượng nông sản Việt.

Theo
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 88
Tổng truy cập: 37072622