Hưng Yên mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, dược liệu đạt chuẩn (29/07/2023)

Với lợi thế là một vùng đất thuộc châu thổ đồng bằng sông Hồng rất màu mỡ, bà con nông dân Hưng Yên đang mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có giá trị cao về kinh tế và cây dược liệu để tăng thu nhập và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Mở rộng diện tích vùng trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP

Xác định tiềm năng thổ nhưỡng phù hợp, xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) đã khuyến khích, vận động người dân cải tạo diện tích cấy  lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như: Nhãn, bưởi, cam... Tổng diện tích cây ăn quả của toàn xã có hơn 102 héc-ta, trong đó, có khoảng 33,4 héc-ta cây ăn quả chủ lực được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả của xã đã khẳng định được hướng phát triển bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực.

Hộ gia đình trồng cây ăn quả được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ)

Ông Đào Duy Nhất, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Duy Nhất cho biết: HTX hiện nay đang có hơn 14 ha trồng cam, bưởi được áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp cho cây ít sâu bệnh hơn, mẫu mã quả đẹp, to hơn và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh thu trung bình của HTX đạt trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, HTX tiếp tục áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó, góp phần tăng doanh thu, thu nhập cho các thành viên.

Ông Nguyễn Duy Quý ở xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng nhãn chủ yếu theo kinh nghiệm. Thực hiện mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP từ năm 2018, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật  sản xuất nhãn sạch, đồng thời, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… nên sản phẩm làm ra được khách hàng tin tưởng đặt mua với số lượng lớn.

Thời gian qua, huyện Tiên Lữ đã tích cực tuyên truyền, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, kiểm tra, lựa chọn các vùng trồng cây ăn quả đủ điều kiện để tổ chức chứng nhận VietGAP. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác thành lập mới áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất. Tăng cường phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm giá trị, hiệu quả sản xuất…

Đến nay, huyện Tiên Lữ có hơn 950 ha cây ăn quả trồng tập trung ở các xã: Nhật Tân, Hưng Đạo, Thủ Sỹ... mỗi năm cho thu hoạch hàng nghìn tấn quả. Trong đó có trên 150 ha diện tích cây ăn quả chủ lực được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Diện tích trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đa dạng, an toàn, có tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người sản xuất. Ngoài ra, xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.

Chú trọng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất

Hợp tác xã (HTX) đầu tư và phát triển nông nghiệp xanh Hồng Nam, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) được thành lập năm 2020 với 12 thành viên. Hoạt động của HTX chủ yếu là sản xuất cây rau màu và trồng cây cảnh… Sau khi thành lập, HTX phát huy hiệu quả vai trò liên kết, nâng cao doanh thu, thu nhập cho HTX, thành viên. Để thích ứng với thị trường và phát triển, HTX chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đưa cây trồng mới vào sản xuất... Năm 2021, Ban Giám đốc HTX bàn bạc, thống nhất lựa chọn giống nho Hạ đen vào trồng. HTX cải tạo đất, lựa chọn vườn trồng với diện tích trên 3 sào. Sau 1 năm, cây nho Hạ đen đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác.

Để cây nho cho hiệu quả kinh tế cao, HTX đầu tư 400 triệu đồng xây dựng hệ thống lưới chắn, hệ thống tưới nước tự động, màng phủ cỏ dưới gốc cây… Vụ nho vừa qua, HTX thu hoạch trên 7 tạ nho, với giá bán trung bình 200 nghìn đồng/kg.

Trồng nho hạ đen cho hiệu quả kinh tế cao tại Hợp tác xã đầu tư và phát triển nông nghiệp xanh Hồng Nam.

Bên cạnh việc đưa giống cây trồng mới vào trồng, HTX tiếp tục trồng và phát huy hiệu quả kinh tế từ sản xuất rau màu. Với diện tích trên 2 mẫu, HTX chú trọng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất. Các thành viên HTX không sử dụng nhiều phân bón hóa học, chủ yếu sử dụng rác thải nông nghiệp, phân từ chăn nuôi ủ mục và trộn với men vi sinh làm phân bón cho cây. Cách làm này không chỉ giúp giảm chi phí, an toàn trong sản xuất, mà còn góp phần đưa sản phẩm của HTX trở thành thương hiệu được ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi.

Ông Bùi Xuân Sử, Giám đốc HTX xã cho biết: HTX tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất an toàn, mở rộng diện tích trồng nho Hạ đen và nhiều giống nho khác. Ngoài diện tích sản xuất hiện tại của HTX, thời gian tới, HTX thực hiện liên kết với người dân có diện tích sản xuất gần HTX để mở rộng sản xuất, liên kết hỗ trợ, tư vấn cho người dân tham gia mô hình và tiêu thụ sản phẩm cho người dân; duy trì định hướng phát triển nông nghiệp sạch. Ngoài ra, HTX tích cực tham gia chuyển đổi số, sử dụng các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tiếp tục phát triển dịch vụ tham quan, trải nghiệm…

Ngoài việc mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có giá trị cao về kinh tế theo tiêu chuẩn VietGap, nông dân Hưng Yên còn trồng các loại cây dược liệu để tăng thu nhập.

Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu

Khoái Châu là vùng đất nằm trong đồng bằng châu thổ Sông Hồng có lợi thế về thổ nhưỡng rất lớn, những năm gần đây bà con nông dân đã mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, từ đó hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung. Hiện nay, toàn huyện có trên 470 héc-ta trồng cây dược liệu gồm: Nghệ, địa liền, ngưu tất, cỏ ngọt, bạc hà, húng quế... tập trung ở các xã: Chí Tân, Tân Dân, Bình Minh, An Vĩ, Tứ Dân... Việc hình thành các vùng dược liệu tập trung đã tạo điều kiện cho người dân mở rộng trồng các loại dược liệu quý, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ dược liệu.

Kiểm tra, đóng gói sản phẩm sữa nghệ tại Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (Khoái Châu)

Cây nghệ đang được nhiều hộ dân lựa chọn là cây trồng chính để phát triển kinh tế. Bình quân mỗi hecta cho thu hoạch khoảng 27 tấn củ, hiện nay, giá bán củ tươi khoảng 7.500 đồng/kg, giá trị thu được trên 1 héc-ta ước đạt khoảng 200 triệu đồng. Giá nghệ khô hiện nay đang được thu mua với giá khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên cho biết: Năm 2011, tôi bắt đầu tìm hiểu và làm nghề chế biến các sản phẩm từ củ nghệ. Hiện nay, mỗi năm công ty sản xuất hàng trăm tấn nghệ khô, nghệ bột, viên nghệ tẩm mật ong, sữa nghệ... Do được đầu tư các thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại và sản xuất theo quy trình khép kín, yêu cầu khắt khe về an toàn, vệ sinh thực thẩm nên các sản phẩm được sản xuất ra đều đạt tiêu chuẩn theo quy định và được người tiêu dùng tin tưởng. Sản phẩm tinh bột nghệ, bột nghệ, nanocurcumin của công ty được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh.

Ngoài cây nghệ cây bạc hà “bén rễ” với người dân xã Tứ Dân từ lâu, được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, xã có gần 7 mẫu trồng cây bạc hà, những thửa ruộng bạc hà được trồng để phục vụ cho việc lấy tinh dầu. Bình quân mỗi sào trồng bạc hà thu hoạch được từ 5 đến 6 tạ thành phẩm khô/năm, giá bán hiện tại khoảng 800.000 đồng/kg tinh dầu, mỗi sào bạc hà cho lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/năm.

Anh Đỗ Minh Ngọc, xã Tứ Dân chia sẻ: Gia đình tôi đang trồng hơn 5 sào cây bạc hà, với giá bán tinh dầu bạc hà như hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây dược liệu, gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng bạc hà để phát triển kinh tế gia đình.

Thời gian tới, huyện Khoái Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân trong việc đưa các giống cây dược liệu mới vào canh tác, chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, hệ thống kinh doanh dược liệu cùng với các cơ sở sản xuất, chế biến, chiết xuất dược liệu… góp phần thúc đẩy sự phát triển các vùng trồng dược liệu trên địa bàn.

Nhiều năm gần đây tỉnh Hưng Yên với lợi thế là một địa phương có thổ nhưỡng rất màu mỡ, phù hợp với rất nhiều loại cây ăn trái có giá trị và chất lượng cao, bên cạnh đó còn có một diện tích lớn đất bãi được phù sa của sông Hồng bồi đắp, thích hợp cho các loại cây, vì thế bad con nông dân ở Hưng Yên đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là một trong những thành tựu của nông nghiệp Hưng Yên.

Theo kinhtenongthon.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 152
Tổng truy cập: 38825724