Phanh phui rau VietGAP 'dỏm' để bữa ăn an toàn hơn (22/06/2023)

Loạt bài điều tra Phanh phui rau VietGAP "dỏm" khởi đi từ việc chúng tôi tìm hiểu ngẫu nhiên các doanh nghiệp cung cấp "rau sạch" để rồi bất ngờ khi họ "dẫn" đến các nhà bán lẻ.


Cảnh dán tem VietGAP vào rau nhập từ chợ đầu mối được phóng viên ghi lại (tháng 9-2022) - Ảnh: BÔNG MAI

An toàn vệ sinh thực phẩm trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân. Đó là nỗi trăn trở của những người làm báo như chúng tôi - làm sao để bữa ăn của người dân ngày càng an toàn hơn - ấy cũng là điều mà báo Tuổi Trẻ mong muốn được phụng sự bạn đọc.

Manh mối từ lốc tem nhãn

Nhận nhiệm vụ, nhóm phóng viên bắt đầu ứng tuyển làm công nhân ngẫu nhiên vào các cơ sở sơ chế rau trên địa bàn TP.HCM.

Chúng tôi trở thành công nhân tại ba cơ sở, điểm sơ chế, buôn bán rau gồm: Nông sản Trình Nhi, Đông A (TP Thủ Đức) và Nông sản Hugofarm (quận Bình Thạnh) để tìm hiểu về quy trình những bó rau từ đây đi đến bàn ăn.

Công việc của một công nhân như chúng tôi dường như không có gì bất thường, cho đến khi phóng viên thấy lốc tem nhãn các công nhân dán vào rau củ vừa sơ chế, với dòng chữ "Rau củ quả Đà Lạt", kèm logo biểu thị thông tin rau củ đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) do Bộ NN&PTNT ban hành.

Trong khi đó nhiều chuyến rau được mua gom từ chợ đầu mối, người bán khẳng định không phải rau VietGAP.

Nắm quy luật giờ lấy hàng, giờ hoàn thành việc sơ chế rau, giờ xe đến, đưa rau đi giao cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... từ đó, đường đi của rau VietGAP "dỏm" được ghi lại. Tại Công ty TNHH nông sản Hugofarm, nhóm phóng viên phải ngày đêm "phục kích", bám đuôi xe tải.

Sau chục ngày mất dấu, cuối cùng chúng tôi cũng bám đến gần một kho hàng tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8). Tại đây, Hugofarm bỏ hàng cho một chuỗi siêu thị thực phẩm tươi ngon - chất lượng, chuỗi này có hệ thống gồm 27 cửa hàng lớn ở khắp TP.

Mất hơn hai tháng đeo bám, làm công nhân sơ chế, chế biến, đóng gói rau cả ngày lẫn đêm..., nhóm phóng viên đã ghi lại những video clip tường tận quá trình "phù phép" từ rau chợ thành rau VietGAP "dỏm", từ nấm Trung Quốc "hô biến" thành nấm đạt chuẩn an toàn của Việt Nam... để bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị lớn ở TP.HCM.

Sau đó loạt bài điều tra được gửi đến bạn đọc cùng những video clip ghi lại quá trình nhân viên các cơ sở "phù phép rau" mua gom từ các chợ đầu mối để hô biến thành rau VietGAP. Từ đó nguồn rau với nhãn mác VietGAP này được đưa đến các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, quán ăn để phục vụ thực khách.


Hình ảnh phóng viên ghi lại được ở cơ sở "hô biến" nấm Trung Quốc thành nấm Việt. Ảnh chụp từ clip: BÔNG MAI

Ngăn chặn gian lận, lan tỏa điều tốt

Chúng tôi đã được không ít người dân, bạn đọc hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện loạt bài điều tra trên. Và vui hơn nữa là sau khi loạt bài điều tra khởi đăng, dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn đọc khắp nơi trên cả nước.

Nhiều bạn đọc tiếp tục cung cấp thông tin cho phóng viên nhằm có thêm dữ liệu tác nghiệp. Từ đó hiệu ứng xã hội của tuyến bài điều tra mang lại hết sức tích cực, ngày càng lan tỏa hơn.

Nhiều cửa hàng nhanh chóng gỡ bỏ hàng của các cơ sở được nêu gian lận trong tuyến bài điều tra ra khỏi kệ, xin lỗi khách hàng, xin bồi thường cho khách.

Sau loạt bài điều tra của Tuổi Trẻ, nhiều ban ngành liên quan của TP.HCM như Sở Công Thương, Ban quản lý An toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường... đã ngay lập tức thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra, xác minh các vấn đề như nội dung bài báo phản ánh (trong đó xác minh hồ sơ, giấy tờ liên quan việc xuất nhập hàng hóa).

Bộ NN&PTNT cũng lên tiếng và 12 đơn vị cấp giấy VietGAP bị yêu cầu báo cáo quá trình hoạt động cấp phép của mình. Cục Trồng trọt lập đoàn thanh tra đột xuất.

Ngay trong tối 22-9-2022 (sau ba ngày tuyến bài được đăng tải) Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp khẩn và đặt ra trách nhiệm với 100 triệu dân trong nước, đến lúc phải bàn việc xây dựng chuẩn hóa thị trường rau củ trong nước. Bộ trưởng bày tỏ sự đau lòng với câu chuyện rau sạch "dỏm" và khẳng định:

"Đây không phải là trách nhiệm của riêng ai, không ai vô can trong việc này. Bộ NN&PTNT cũng không vô can, tôi cũng không vô can". Đến gần giữa tháng 10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trực tiếp đi khảo sát chợ đầu mối Bình Điền lúc 3h sáng để kiểm tra việc buôn bán rau củ quả.

Sau gần một năm tuyến bài rau sạch "dỏm" được phanh phui, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết đến nay các đơn vị do bộ này quản lý hoạt động chặt chẽ hơn.

Bộ đã lên kế hoạch kiểm tra theo định kỳ, theo năm để ngăn chặn việc cấp giấy phép dễ như mua rau, như báo Tuổi Trẻ từng điều tra phản ánh.

Theo tuoitre.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 146
Tổng truy cập: 37055579