Thái Nguyên nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn trước thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh (17/06/2023)

Trong bối cảnh thời tiết biến đổi khắc nghiệt, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP… đóng vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Tại tỉnh Thái Nguyên, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP, theo hướng hữu cơ đang được nhân rộng đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi với việc tiết kiệm chi phí, bảo vệ sức khoẻ người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng, đặc biệt là góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng ở phường Lương Sơn, thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) là một trong những hộ được lựa chọn thí điểm dự án "Tăng cường an toàn sinh học trại chăn nuôi lợn để giảm nguy cơ dịch bệnh và sử dụng kháng sinh” năm 2023 tại Thái Nguyên. Ảnh: thainguyentv.vn

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 738 trang trại chăn nuôi, tăng 10,5% so với năm 2020; trong đó có 262 trại lợn, 446 trại gà; đàn trâu, bò duy trì trên 90.000 con… Hầu hết các trang trại, hợp tác xã, hộ chăn nuôi đã sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, hướng hữu cơ và đã có 69 trang trại được chứng nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hợp tác xã gà đồi Tân Tiến, huyện Phú Bình có 22 thành viên liên kết chăn nuôi theo chuỗi, chuyên nuôi gà ta lò. Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường từ 150- 170 tấn gà thịt, đem lại thu nhập cho mỗi xã viên trung bình từ 200- 300 triệu đồng mỗi năm. Nuôi gà với quy mô lớn nên đòi hỏi hợp tác xã phải tuân thủ nghiêm ngặt phòng chống dịch bệnh và quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được lựa chọn.

Ông Bùi Quang Hữu, Giám đốc Hợp tác xã gà đồi Tân Tiến cho biết: “Từ khi thiết kế chuồng trại hợp tác xã phải lắp đặt hệ thống nước làm mát, quạt gió… trị giá hàng trăm triệu đồng để chuồng trại được thông thoáng vào mùa hè, ấm về mùa đông. Với đàn gà của hợp tác xã, hiện tại tất cả thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, có ghi chép như: tuân thủ tiêm phòng vaccine đúng thời điểm, giảm tối đa kháng sinh hoặc không sử dụng mà sử dụng dòng thuốc được chiết xuất từ thảo dược. Hay như với đệm lót, chúng tôi sử dụng sản phẩm sinh học, xử lý được mùi hôi và một số mầm bệnh nên đàn gà sinh trưởng tốt”.

Tại Hợp tác xã chăn nuôi Xanh, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên có 35 thành viên chăn nuôi lợn, gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học cho doanh thu mỗi năm đạt trên 40 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Xanh cho biết, nắng nóng gay gắt với mức nhiệt cao kéo dài trong thời gian vừa qua có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức đề kháng và khả năng phát triển của đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho nhiều loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nguy cơ bùng phát. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, các trang trại sử dụng quạt đẩy hơi nóng ra ngoài suốt 24h, tắm mát từ 1 đến 2 lần/ngày, cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, thức ăn đầy đủ dưỡng chất nhằm tăng miễn dịch cho vật nuôi.

Hiện tại, toàn bộ trang trại của thành viên Hợp tác xã chăn nuôi Xanh đều thực hiện giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Với phương pháp này, các khâu chăn nuôi đều phải khép kín, từ vệ sinh môi trường, tiêm vaccine đầy đủ, tạo nên miễn dịch cho vật nuôi đến kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào... Đặc biệt, hợp tác xã nói không với chất cấm, hạn chế sử dụng kháng sinh… góp phần giảm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Ông Đỗ Đình Chung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40% số hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi theo hình thức trang trại. Các trang trại này đạt cơ sở an toàn dịch bệnh và dần hình thành các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Để xây dựng được như vậy, tỉnh đã khuyến khích và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ.

Cũng theo Phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên, trước biến đổi khắc nghiệt của thời tiết, nguy cơ dịch bệnh tái phát với đàn vật nuôi rất cao, ngành nông nghiệp tích cực kết hợp với các địa phương thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi, hướng dẫn bà con chăm nuôi an toàn, phù hợp. Nhờ đó không bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, không chết do nắng nóng, giảm thiểu thiệt hại cho bà con.

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện quy định đăng ký kê khai chăn nuôi, hướng dẫn và quản lý tái đàn sau dịch bệnh, nhờ đó duy trì ổn định đàn vật nuôi đúng kế hoạch. Các trang trại chăn nuôi bắt buộc phải tuân thủ quy chuẩn về điều kiện chăn nuôi, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với trang trại quy mô lớn. Đồng thời, ngành chức năng thực hiện nghiêm quản lý chất lượng con giống, điều kiện sản xuất con giống, hỗ trợ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm; an toàn dịch bệnh trong vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật.

Theo dantocmiennui.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 114
Tổng truy cập: 38499645