Thủ phủ vải thiều Lục Ngạn được mùa lớn (14/06/2023)

Năm nay, thủ phủ vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) được mùa lớn. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hầu hết được bao tiêu đầu ra, giá ổn định, đem lại lợi nhuận đáng kể cho người trồng.

Mỗi ha lãi cả trăm triệu đồng

Gia đình ông Ngô Văn Liên (trú thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, H.Lục Ngạn) trồng 2 ha vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Ông Liên cho biết, sản lượng dự kiến của vụ vải năm nay khoảng 20 tấn. Thông thường, sản lượng vải dao động khoảng 9 - 12 tấn/ha, năm nay so với vài năm trở lại đây là được mùa nhất, chất lượng quả vải khá tốt.


Vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP luôn yên tâm về đầu ra và đảm bảo có lãi.

Gia đình ông Liên tiêu thụ vải theo cả kênh xuất khẩu và tại thị trường nội địa. Một số doanh nghiệp đang đặt vấn đề thu mua vải để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Năm nay, dự kiến sản lượng vải đạt tiêu chuẩn quả to đẹp, xuất khẩu đi châu Âu khoảng hơn 10 tấn. Giá xuất khẩu dự kiến khoảng 25.000 - 35.000 đồng/kg, tùy kích cỡ và thị trường xuất khẩu.

"Năm nay, hàng chuẩn to đẹp, hạng một vẫn có giá 35.000 đồng/kg. Doanh nghiệp cũng thu mua theo đơn hàng của từng thị trường xuất khẩu. Ví dụ, vải xuất sang Nhật, châu Âu giá cao hơn xuất sang Úc. Các doanh nghiệp đã đặt vấn đề, dự kiến khoảng 1 tuần nữa vào chính vụ vải, chờ vải chín, test chất lượng ổn là thu hoạch để xuất khẩu", ông Liên nói.

Gần 10 tấn vải còn lại được gia đình ông Liên tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội. Từ đầu mùa đến nay, gia đình ông Liên đã bán vải cho một số mối bán sỉ, lẻ tại Hà Nội với mức giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg.

"Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định vụ vải năm nay được mùa, tiêu thụ tốt. Dự kiến khoảng 7 - 10 ngày nữa vải vào chính vụ, chín rộ trong khoảng 20 ngày. Nếu tính mức giá bình quân khoảng 20.000 đồng/kg cho cả vụ, trừ các chi phí, tiền lời khoảng trên dưới 200 triệu đồng. Chỉ mong thời tiết sắp tới không quá nắng nóng, tránh bị cháy vải. Trường hợp xấu nhất, vải bị cháy xuất khẩu không được mà bán nội địa cũng không xong, phải đem vào sấy", ông Liên chia sẻ thêm.

Tương tự, ông Trần Văn Hành (trú thôn Chão, xã giáp Sơn, H.Lục Ngạn), thành viên HTX sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái xã Giáp Sơn, chia sẻ gia đình ông trồng 2 ha vải, sản lượng dự kiến lên tới gần 30 tấn. So với những năm trước, năm nay có thể nói là được mùa lớn.

Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên không chỉ 2 ha vải nhà ông Hành mà cả 10 ha vải của HTX đều đã có doanh nghiệp đến đặt hàng thu mua từ trong tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với mức giá 22.000 đồng/kg. "HTX đang dần thu hoạch vải, hiện mới thu hoạch được vài tấn. Trọng điểm vải chín rộ khoảng 1 tuần nữa. Năm nay được mùa, giá bán trên cũng đảm bảo có lãi, dù lãi không quá cao. Hy vọng mức giá có thể cải thiện trong các mùa vụ sau bởi 22.000 đồng/kg là mức giá đã duy trì nhiều năm", ông Hành nói.

Kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ

Trong khi vải Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có chất lượng đảm bảo, yên tâm đầu ra thì các diện tích vải thông thường lại không được như vậy. Chiều 13.6, khi tấp vào một xe bán vải trên đường Hoàng Quốc Việt (Q.Cầu giấy, Hà Nội), đập ngay vào mắt phóng viên là tấm biển kèm mức giá 15.000 đồng/kg.

Theo người bán, đây cũng là vải thiều Lục Ngạn nhưng không trồng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt như VietGAP, GlobalGAP, quả không to đẹp bằng nên giá thấp hơn. "Năm nay, hàng khá ế ẩm. Thông thường những năm trước, thời điểm này với mức giá tương tự tôi bán khoảng 3 - 4 tạ vải/ngày, nhưng năm nay chỉ bán được khoảng 1,7 - 1,8 tạ vải/ngày. Dự kiến, khi vào chính vụ khoảng 7 - 10 ngày tới, mức giá còn giảm nữa, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg đến tay khách hàng", người này nói.

Theo ông Liên, nếu không sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP, vải tiêu thụ ở thị trường nội địa năm nay giá không cao, khá cạnh tranh. "Phải chăm sóc, sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn, bán đa kênh hàng mới được giá. Trong quá trình đầu tư chăm sóc, quan trọng nhất là phun thuốc theo quy trình, bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trong danh mục", ông Liên nói.

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023 do UBND H.Lục Ngạn tổ chức cách đây vài ngày, Chủ tịch UBND H.Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều để xuất khẩu, nhiều thương nhân đã sớm tìm hiểu, ký kết hợp đồng, giám sát tiêu thụ vải thiều. Hiện, đã có hơn 200 thương nhân Trung Quốc được Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đồng ý cho vào H.Lục Ngạn để phối hợp thu mua vải thiều.

"Các bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ kết nối để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu quả vải thiều Lục Ngạn đến các thị trường tiềm năng", ông Nam đề nghị.

Năm 2023, tổng diện tích sản xuất vải của H.Lục Ngạn là 17.000 ha, trong đó có gần 13.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; dự kiến sản lượng toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 25.5 đến cuối tháng 7. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 6.000 tấn vải chín sớm, trong đó 59% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 41% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Theo thanhnien.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 83
Tổng truy cập: 38499645