VinaCert đánh giá VietGAHP ong tại cơ sở nuôi ong Đoàn Đình Khính (09/12/2020)

Để chinh phục được các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu,… người nuôi ong cần áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi ong theo hướng VietGAHP nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong.

 Theo thống kê của Hội Nuôi ong Việt Nam, trên cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu đàn ong, trong đó có khoảng 200 nghìn đàn nội và khoảng 1 triệu đàn ong ngoại. Số người nuôi ong khoảng 30 nghìn người, trong đó có 6 nghìn người nuôi chuyên nghiệp. Hàng năm, ngành ong sản xuất được trên 55.000 tấn mật ong và hơn 1.000 tấn sáp ong, trong đó khoảng 85 - 90% sản lượng đã được xuất khẩu sang 12 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… 

Đây là các thị trường khó tính, yêu cầu chỉ tiêu chất lượng cao, do đó, người nuôi ong nói riêng và ngành ong nói chung phải có bước đi thích hợp, áp dụng quy trình VietGAHP vào chăn nuôi, áp dụng GMP/HACCP hay tiêu chuẩn ISO 22000 vào các khâu khai thác, chế biến,… nhằm đảm bảo và đáp ứng yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm mật ong.

Với ý nghĩa đó và theo ghi nhận của chuyên gia, tại các khu vực có nghề nuôi ong phát triển, người nuôi ong đã có ý thức hơn trong việc phát triển các loại cây ăn quả, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,… nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định cho phát triển nghề nuôi ong.

Chuyên gia Trịnh Xuân Thanh (Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert) cho biết, điển hình như tại cơ sở nuôi ong Đoàn Đình Khính (tiểu khu Sao Đỏ, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), là 1 trong 2 mô hình của dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong ngoại khai thác mật trên thùng kế theo hướng VietGAHP” được chuyên gia Trịnh Xuân Thanh và Lê Quang Trung đánh giá chứng nhận VietGAHP ong vào cuối tháng 11/2020.

Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Ong và nuôi Ong nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ nhiệm, có tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng và đang được triển khai tại 2 tỉnh là Nghệ An và Sơn La (mỗi địa phương 1 mô hình/100 đàn ong ngoại).

Để đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở nuôi ong Đoàn Đình Khính đã lựa chọn vị trí nuôi ong ở nơi không có nguồn gây ô nhiễm bởi khói bụi của các nhà máy; Không có cơ sở sản xuất hóa chất và các nguồn gây ô nhiễm khác; thùng ong và cầu ong được làm bằng gỗ tự nhiên, thép không gỉ, nhựa không thôi nhiễm; Trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ nuôi ong, bao gồm mũ lưới, găng tay và quần áo bảo hộ,…; thực hiện đầy đủ các yêu cầu về tập huấn kỹ thuật, quản lý dịch bệnh, chất thải, môi trường, côn trùng và dịch hại; đảm bảo truy xuất được nguồn gốc tất cả vật tư sử dụng nuôi ong và sản phẩm ong.

Với bằng chứng của sự phù hợp mà cơ sở nuôi ong Đoàn Đình Khính đáp ứng được so với yêu cầu của quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi ong (VietGAHP ong), chuyên gia Trịnh Xuân Thanh kết luận: Cơ sở nuôi ong Đoàn Đình Khính đạt 22/22 tiêu chí loại A và 9/9 tiêu chí loại B theo quy định tại Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho nuôi ong mật tại Việt Nam (VietGAHP nuôi ong mật) do Bộ NN&PTNT ban hành Ngày 10/11/2015. 

Để được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, chuyên gia Trịnh Xuân Thanh đã tiến hành lấy mẫu mật ong, gửi về phòng thử nghiệm của VinaCert tại Hà Nội để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định.

Theo (VinaCert.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 197
Tổng truy cập: 39558723