Ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất có hiệu quả hơn (24/02/2020)

Đó là chỉ đạo của ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tại buổi làm việc với Sở NN- PTNT về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.


Ông Đặng Kim Cương báo cáo những vấn đề lớn của ngành NN- PTNT với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.

Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN- PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong năm 2019, dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã đạt được kết quả toàn diện, tổng giá trị sản xuất 11.543 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng tưởng 6,32%.

Trong đó, diện tích gieo trồng 82.269ha, sản lượng lương thực 314 ngàn tấn, nho 28 ngàn tấn, táo 36,1 ngàn tấn; đàn gia súc 480 ngàn con, sản lượng khai thác hải sản 113 ngàn tấn, sản xuất tôm giống 33,9 tỷ con…Năm qua, ngành NN- PTNT đã hoàn thành 11/11 nhóm các nhiệm vụ trọng tâm.

Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuân vẫn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi chưa thực sự bền vững, chuyển đổi nghề cho ngư dân sang khai thác vùng khơi gặp khó khăn về hạn ngạch giấy phép khai thác, điều kiện khai thác vùng khơi…

Để đảm bảo đời sống nông dân và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, năm 2020 ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã đề ra các chỉ tiêu, như tốc độ tăng trưởng 4 – 4,5%, tỷ lệ hộ dân nông thôn dùng nước hợp vệ sinh 95%, có thêm 3 – 4 xã NTM, tổng diện tích gieo trồng đạt 86.000ha. Tuy nhiên, theo ông Cương do hạn hán nên diện tích gieo trồng năm 2020 chỉ đạt khoảng 62.000ha, phấn đấu giá trị sản xuất trên đạt 125 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, toàn tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tổng đàn gia súc 478 ngàn con, độ che phủ rừng 49 – 50%, sản lượng khai thác hải sản 113.500 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên 9 ngàn tấn, sản xuất tôm giống trên 36 tỷ con… Theo lãnh đạo Sở NN- PTNT, để đạt các mục tiêu trên trong bối cảnh khô hạn gay gắt là nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Ông Đặng Kim Cương cho biết: Chúng tôi đã đề ra 14 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020. Theo đó, tập trung tuyên truyền chủ trương, định hướng xây dựng NTM, cơ cấu lại nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu; tiếp tục kêu gọi đầu tư doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù có lợi thế của Ninh Thuận.

Đặc biệt phải đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, làm tốt công tác điều tiết nước ứng phó với hạn hán; tập trung phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi; tập trung cơ cấu mạnh các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM…

Tại buổi làm việc, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã biểu dương ngành nông nghiệp trong năm 2019 đã vượt qua khó khăn, thách thức đạt được kết quả toàn diện, đời sống người nông dân được nâng cao và nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh lưu ý đối với 14 nhiệm vụ trong năm 2020 của ngành còn dàn trải, mỗi năm nên chọn 1 – 2 lĩnh vực để tập trung đầu tư, tạo sự đột phá, phát triển. Đặc biệt do thiếu nước, toàn tỉnh dự kiến giảm khoảng 24.000 ha gieo trồng, thì phải tính toán lấy gì để bù đắp vào diện tích thiếu hụt để không mất cân đối và giảm thu nhập của nông dân.


Táo là cây trồng đặc thù của Ninh Thuận nhưng chưa thực sự phát triển bền vững.

Ông Lưu Xuân Vĩnh cũng chỉ ra những bất cập, nhất là sản xuất nông nghiệp manh mún và nhỏ lẻ, tỉnh có nhiều cây con đặc thù nhưng mỗi mặt hàng một chút chưa phát triển thành sản xuất hàng hóa, chưa xây dựng được thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, chưa đều.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận luôn thiếu nước sản xuất, hạ tầng chưa hoàn thiện, do vậy kém hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư. Trong những năm tới, nếu không đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thì khó có sự tăng trưởng, bởi lâu nay nông nghiệp tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng diện tích. Trong lĩnh vực thủy sản cũng nhiều tồn tại cần phải cơ cấu lại để phát triển bền vững.

Nông nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho 70% dân số, vì vậy không còn con đường nào khác ngành nông nghiệp phải tổ chức sản xuất có hiệu quả hơn.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp phải thay đổi tư duy về thủy lợi, vì lâu nay nguồn nước luôn dành cho sản xuất lúa. Giờ khô hạn cần chuyển đổi mạnh mẽ sang các loại cây trồng cạn sử dụng ít nước nhưng hiệu quả hơn đặc biệt là cây ăn quả đặc thù như nho, táo.

 Khi đó nước để phục vụ các ngành kinh tế khác.

Theo MAI PHƯƠNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 88
Tổng truy cập: 37043037