An Giang hướng tới phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững (24/02/2020)

Ngày 21/2, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang tổ chức hội nghị Tổng kết ngành NN-PTNT năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020.


An Giang đang phát triển mạnh cá tra 3 cấp, đang mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Năm 2019 ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết không thuận lợi, về thị trường, giá lúa, cá đều giảm so với cùng kỳ, dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp…

Nhưng với sự điều hành linh hoạt, ứng phó kịp thời, cùng với diễn biến thuận lợi về thời tiết và lũ trong vụ Thu Đông, các sản phẩm chủ lực của tỉnh giữ mức ổn định và có tăng so với cùng kỳ. Sản lượng lúa cả năm đạt hơn 3,92 triệu tấn, xấp xỉ cùng kỳ. Sản lượng cây ăn trái 241.000 tấn bằng 113,87%, sản phẩm cá tra lần đầu tiên vượt mức 400.000 tấn, tăng 19,19% so với cùng kỳ. Từ đó góp phần thúc đẩy giá trị tăng 2,65% so với cùng kỳ. Dự báo có thể tăng hơn 3% sau khi rà soát lại diện tích lúa chất lượng cao vụ Thu Đông 2019

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết: Những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch Covid-9 diễn ra phức tạp, đến nay chưa có dấu hiệu giảm. Do đó, Trung Quốc sẽ hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu nên doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản sẽ bị ảnh hưởng lớn, các đơn hàng xuất khẩu sẽ bị giảm 30 - 40% so kế hoạch. Để giải quyết vấn đề này, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời theo dõi chặt diễn biến tình hình dịch bệnh để chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

Bên cạnh đó, tăng cường vận động doanh nghiệp nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp theo các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, THT, người dân vào nông nghiệp và nông thôn.

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã triển khai 4 năm bắt đầu có hiệu quả, góp phấn tăng trưởng cho ngành nông nghiệp tỉnh. Chẳn hạn như lúa, cá tra, cây ăn trái, rau màu...thu hoạch nhiều hơn ta, tăng trưởng năm 2019 đạt mức cao nhất. Đề án cá tra 3 cấp đang triển khai thực hiện, dự kiến kết quả sản xuất giống tăng cả về số lượng và chất lượng.

Theo ông Lâm, năm 2020 An Giang phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại tăng trưởng bền vững hợp lý, xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Bên cạnh đó nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, cùng với giá trị nâng cao canh tác và thu nhập của nông dân.


An Giang đẩy mạnh nhân rộng mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ông Phan Lợi, Phó GĐ Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, An Giang đã họp đánh giá tình hình và thống nhất giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp khi có diễn biến bất lợi về thị trường, trong đó ưu tiên xử lý đối với các sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn ngày đã và đang trong giai đoạn thu hoạch. Đồng thời, theo dõi tình hình hoạt động sản xuất, thị trường để kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp biết, phối hợp với địa phương nắm thông tin nhanh hàng ngày tình hình hoạt động mua bán trên địa bàn.

Theo đó, ngành Công thương đã làm việc và có nhiều văn bản đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và Sở Công thương các tỉnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của An Giang. Qua đó kết nối được Siêu thị Tứ Sơn, Coopmart Long Xuyên và Coopmart Thoại Sơn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh của huyện Thoại Sơn và xoài Tượng xanh huyện Chợ Mới.

Nhìn chung, hiện nay việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do không có thông tin cụ thể về số lượng sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ. Thói quen mua bán thông qua thương lái để xuất khẩu thị trường Trung Quốc, chưa quan tâm khai thác thị trường nội địa. Tâm lý neo hàng chờ giá tăng. Để công tác tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát sản lượng cần hỗ trợ và làm việc với các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh có giải pháp hỗ trợ.

Đồng thời ưu tiên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh được tiếp cận nguồn quỹ phát triển của tỉnh để giải quyết tổn thất do dịch bệnh gây ra. Song song đó triển khai hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh thông tin thường xuyên, định kỳ hàng tuần cho Sở Công Thương về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty và đề xuất kiến nghị trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh.

Theo LÊ VŨ HOÀNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 170
Tổng truy cập: 38547328