Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Kinh nghiệm Bắc Giang (30/09/2019)

Trong khi nhiều địa phương vẫn loay hoay, thì Bắc Giang với quả vải là sản phẩm chủ lực, đã sớm mở được lối đi bài bản, bền vững cho loại trái cây này tại thị trường tỉ dân.


Một vườn vải thiều SX theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang). Ảnh: Phạm Hiếu.

Tại hội nghị về đẩy mạnh XK nông sản sang thị trường Trung Quốc mới đây, kinh nghiệm từ việc XK quả vải thiều sang thị trường Trung Quốc của tỉnh Bắc Giang đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường biểu dương, xem là hình mẫu để các địa phương khác tham khảo, học hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng: Trước đây, rất nhiều vụ vải bị ách tắc XK, được mùa rớt giá. Tuy nhiên kể từ khi các bộ ngành, nhất là tỉnh Bắc Giang vào cuộc tập trung tháo gỡ, tổ chức một cách bài bản, đồng bộ từ SX tới XK như đẩy mạnh SX theo GAP, xây dựng và cấp mã số vùng trồng, triển khai tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, tổ chức kết nối giao thương, lên kế hoạch XK cho từng vụ..., đến nay, tình trạng được mùa mất giá, ách tắc trong XK gần như không còn.

Theo Bộ trưởng, vụ vải thiều năm 2019, sản lượng vải Bắc Giang chỉ bằng 2/3 so với năm 2018, tuy nhiên tổng giá trị lại tăng 20%. Có được kết quả này là nhờ ngay từ lúc quả vải mới ra hoa đậu quả, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã sang tận Trung Quốc, tổ chức các hội nghị giao thương, phát triển thị trường, lên kế hoạch, kịch bản rất bài bản cho tiêu thụ... 

Thu trái ngọt nhờ VietGAP

“Nắng tháng tám, rám trái bòng”, chúng tôi về vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang) khi vụ thu hoạch vải thiều đã lùi xa, những vườn vải đã ra đợt lộc thứ hai.

Anh Nguyễn Văn Quyên (thôn Kép I, xã Hồng Giang), một trong những hộ dân SX vải theo quy trình VietGAP bảo rằng, làm cây vải đạt tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng tốt nhất để phục vụ xuất khẩu (XK), chẳng có lúc nào là lúc được phép nghỉ ngơi. Ngay từ khi thu quả xong vào cuối tháng 6 hàng năm, đã phải dọn vườn, cắt cành tạo tán, bón phân. Thời điểm này, cây vải bắt đầu ra đợt lộc thứ hai, là lúc quan trọng nhất để tưới, cắt tỉa những cành lộc vô hiệu, tới tháng 11 thì tiếp tục tỉa tán, khoanh cành...

Anh Quyên là một trong những hộ đi đầu ở HTX Hồng Giang áp dụng SX vải theo quy trình VietGAP. Vụ vải thiều năm 2019, vải thiều Lục Ngạn “mất mùa chung”, nhiều nơi giảm 40% năng suất so với năm 2018, tuy nhiên những hộ thực hiện SX nghiêm ngặt theo VietGAP, chăm sóc tốt thì năng suất chỉ giảm khoảng 20%. Đáng mừng nhất, mặc dù năng suất giảm, nhưng thu nhập lại tăng. Hộ anh Quyên có 0,5ha vải, năm nay thu được trên 500 triệu đồng, giá vải bình quân đạt trên 30 - 40 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần so với các năm.

Anh phấn khởi cho biết, do sản lượng vải giảm nên những vườn vải SX theo VietGAP, mã đẹp, đồng đều chính là những “điểm đến” của những thương lái Trung Quốc vào tận vườn tranh mua với giá có khi lên tới 50 - 60 nghìn đồng/kg, những loại vải xấu nhất cũng được thu mua ổn định với mức giá trên 22 nghìn đồng/kg. Đối với thương lái Trung Quốc thì yêu cầu hàng đầu vẫn là vải phải có mẫu mã đẹp, đồng đều, quả vải đỏ, vỏ phải cứng. Vì thế, những vườn vải SX theo VietGAP đều đáp ứng được nhu cầu này.

Cũng theo anh Quyên, trước đây, gia đình có trên 1ha vải, tuy nhiên cũng như nhiều hộ khác trong xã, anh đã giảm ½ diện tích để chuyển sang cây trồng khác như cam, bưởi, táo...


Bắc Giang luôn sớm chủ động lên kế hoạch bài bản cho việc tiêu thụ vải thiều hàng năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Cây vải thiều chỉ thu hoạch rộ trong vòng 20 ngày, hiện nhân công hái vải rất cao, lại khó tìm nên thu hoạch rất vất vả, vì vậy chúng tôi đã hạn chế dần diện tích vải chất lượng kém, cây già cỗi. Thay vào đó, tập trung thâm canh cho các diện tích còn lại theo hướng chất lượng cao. Nhờ đó dù diện tích ít hơn, sản lượng ít hơn nhưng giá trị lại không thua kém trước đây” – anh Quyên chia sẻ.

HTX Hồng Giang (Lục Ngạn) là một trong những nơi đi đầu trong việc áp dụng SX theo GAP, gồm cả VietGAP và GlobalGAP. Đến nay, toàn xã đã có trên 500 hộ dân đạt các yêu cầu về GAP trong SX vải.

Ông Nguyễn Văn Đông, GĐ HTX Sản xuất nông sản và Thương mại Hồng Giang cho biết vụ vải năm 2019, ngoài khoảng 20 tấn vải GlobalGAP được các DN thu mua để XK sang các thị trường như Mỹ, Úc, còn lại phần lớn vẫn là XK sang thị trường Trung Quốc, trong đó riêng HTX đã tiến hành sơ chế, đóng gói cho các DN xuất khẩu sang Trung Quốc trên 500 tấn. Sau khi sơ chế, thương lái Trung Quốc thu mua tại HTX Hồng Giang với giá trung bình từ 50 - 55 nghìn đồng/kg, cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung.

Theo ông Đông, ngay từ đầu năm 2019, các đơn vị, HTX trên toàn huyện đã được tỉnh cử đi tập huấn nhiều lần để phổ biến các điều kiện về XK vải sang thị trường Trung Quốc. Các HTX cũng được trực tiếp được sang tận Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) tham dự hội nghị kết nối giao thương vải thiều, cùng các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Lạng Sơn, Lào Cai... Vì thế, các khâu như in tem nhãn, bao bì, quy cách đóng gói, sơ chế... đều đã được các HTX nắm vững.

Hiện nay, thương lái Trung Quốc cũng đòi hỏi rất cao về chất lượng quả vải, vì thế chủ trương của HTX là hạn chế dần diện tích vải kém chất lượng và chuyển sang thâm canh.


Để có những vườn vải thiều đảm bảo tiêu chuẩn XK, thời điểm này, nông dân vẫn miệt mài chăm sóc, tỉa cành.

“Nông dân bây giờ gần như chỉ dùng các loại phân NPK chất lượng cao, giá phải 15-16 nghìn đồng/kg để bón vải, kèm theo phân vi sinh, phân hữu cơ. Ngày xưa, có tình trạng quả vải thu hoạch vẫn còn bám trắng thuốc BVTV thì bây giờ, gần như 100% hộ đã nắm vững trong lòng bàn tay về quy trình sử dụng, cách li thuốc BVTV, loại nào được sử dụng, loại nào không được sử dụng, ưu tiên cho thuốc sinh học... Nhờ thế, không chỉ XK sang Trung Quốc mà kể cả các lô vải XK sang Mỹ, Úc cũng không lô nào bị dính vi phạm về dư lượng hóa chất”, ông Nguyễn Văn Đông cho biết. 

Xác định Trung Quốc là thị trường số 1

Trong khi nhiều địa phương vẫn loay hoay, thậm chí vấp không ít thiệt hại đối với nhiều loại nông sản kể từ khi Trung Quốc siết chặt việc áp dụng các quy định về NK nông sản từ Việt Nam, thì Bắc Giang với quả vải là sản phẩm chủ lực, đã sớm mở được lối đi bài bản, bền vững cho loại trái cây này tại thị trường tỉ dân.

Ông Dương Thanh Tùng, GĐ Sở NN-PTNT chia sẻ: Với thị trường XK nông sản nói chung, trong đó có quả vải, Bắc Giang có lợi thế địa bàn gần Trung Quốc, nên từ lâu đã xác định rõ Trung Quốc vẫn là số một về thị trường XK.

Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng đây là thị trường bấp bênh, rủi ro, đỏng đảnh, nhưng phải thẳng thắn rằng quy luật thị trường, sự lên xuống của thị trường thì thị trường nào cũng xảy ra chứ không riêng gì Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận họ là thị trường tỉ dân, vô cùng lớn, không quan tâm đến thị trường này thì quan tâm tới thị trường nào cho xa xôi?


Bắc Giang luôn xác định Trung Quốc là thị trường tiêu thụ số một đối với quả vải thiều. Ảnh: Phạm Hiếu.

"Bán ở đâu thì bán, nội địa hay XK sang thị trường nào cũng vậy, yêu cầu chất lượng vẫn là số một. Mà muốn có chất lượng thì phải có quy trình, tiêu chuẩn quy chuẩn, trong trồng trọt thì chỉ có GAP, trước là VietGAP, sau là GlobalGAP. Từ đó, Bắc Giang đã thực sự tạo nên một cuộc cách mạng về việc áp dụng quy trình SX theo GAP" - Ông Dương Thanh Tùng, GĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang.

Bên cạnh đó, trong XK nông sản sang Trung Quốc, Bắc Giang luôn xác định tất yếu thị trường này cũng sẽ ngày càng có những yêu cầu chặt chẽ, cả về thủ tục hành chính, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, yêu cầu về ATTP, kiểm dịch...

Trung Quốc cũng sẽ tiến tới yêu cầu giống các thị trường khắt khe nhất như Nhật, Hàn, Mỹ, Úc..., và thực tế thì hiện nay họ đã bắt đầu yêu cầu phải chiếu xạ đối với một số loại trái cây NK từ Việt Nam. Chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu để XK đi Trung Quốc, thì làm sao có thể viển vông nghĩ tới việc có thể XK sang tận Châu Âu, Mỹ...?

Bắc Giang cũng đã xác định rõ từ lâu, không chỉ thị trường Trung Quốc, các thị trường XK nói chung và kể cả thị trường trong nước, người tiêu dùng phải ngày càng được tiêu dùng sản phẩm tốt hơn, đảm bảo vệ sinh ATTP, đó là quy luật phát triển.

Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh... là những đô thị có nhu cầu tiêu thụ rất lớn nông sản của Bắc Giang cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm, cả thị trường 90 triệu dân trong nước cũng vậy.

Cụ thể, phong trào SX theo GAP cho quả vải Lục Ngạn đã được Bắc Giang triển khai từ năm 2015 - 2016. Kinh nghiệm của Bắc Giang trong xây dựng SX theo GAP, đó là phải bền bỉ, “mưa dầm thấm lâu”, tạo những mô hình hạt nhân ban đầu, không nhất thiết phải cấp chứng chỉ, mà phải làm cho người dân hiểu lợi ích của SX theo GAP là làm lợi cho chính họ. Thực tiễn từ những mô hình SX vải theo GAP, đã cho thấy giảm được chi phí SX, nhưng lại cho ra sản phẩm tốt hơn, và bán được giá cao hơn. Đó chính là yếu tố giúp nông dân tự ý thức để SX theo GAP và lan tỏa mạnh mẽ.

Bắc Giang hiện có trên 15 nghìn ha vải, chiếm hơn 50% tổng diện tích đạt yêu cầu về SX theo VietGAP và GlobalGAP.

Đây chính là tiền đề quan trọng hàng đầu để quả vải không chỉ đáp ứng được yêu cầu XK sang các thị trường ngặt nghèo nhất về yêu cầu như Mỹ, Úc..., mà còn rộng đường cho quả vải “đi cửa chính” sang thị trường Trung Quốc.

Nhiều năm qua, chưa có lô vải thiều nào XK sang thị trường Trung Quốc bị trả về hay cảnh báo do phát hiện “dính” vi phạm liên quan đến dư lượng hóa chất hay nhiễm các đối tượng dịch hại...

Theo LÊ BỀN - LÊ TRẦN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 177
Tổng truy cập: 38533804