1. Thời vụ trồng
Đồng bằng sông Hồng: Trồng tháng 2 - 4 và tháng 8 - 10.
Trung du miền núi phía Bắc: Trồng tháng 4 - 6.
2. Chọn giống
Nên trồng giống nhãn T6 - giống có cùi quả dày, thơm, ngọt, bóc ráo tay, ăn có dư vị, sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao.
Ngoài ra, ở Hưng Yên đang duy trì được hơn 30 cây nhãn đầu dòng có chất lượng tương đương, nhà vườn có thể liên hệ để có cây giống nhân ra từ số nhãn đầu dòng này.
3. Kỹ thuật trồng Do bộ rễ nhãn hút dinh dưỡng thông qua hệ nấm háo khí hoạt động ở vùng rễ. Nên cần vun đất hình nấm cao (thoáng khí) để trồng cây con.
Nấm đất cao 30 - 40cm, rộng 50 - 60cm. Trồng 12 cây/sào Bắc bộ. Khoảng cách 6 x 5m/cây.
Cây giống ở vườn ươm đưa ra ruộng trồng cần xếp nơi thoáng mát 1 - 2 ngày. Chờ cho các đầu rễ cây thâm lại mới tiến hành trồng, tránh bị thồi rễ, ảnh hưởng đến sinh trưởng.
Phân lót/cây: 15 - 20kg phân chuồng hoai + 0,3 kg NPK Đầu trâu 13-13-13+TE (không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân lót khi trồng).
4. Chăm sóc nhãn thời kỳ cây con
Bón phân khi cây bén rễ hồi xanh: 0,2kg đạm urê + chế phẩm siêu lân pha loãng tưới gốc/12 cây.
Cây ra lộc dài 5 - 10cm, phun bón lá Atonik (kích cành lộc vươn dài, lóng to, lá dày).
Lá lộc chuyển màu bánh tẻ, tiếp tục tưới thúc đạm urê. Cây ra lộc dài 5 - 10cm, phun Atonik. Lặp lại chu kỳ tưới đạm, phun Atonik như trên trong 2 năm liên tiếp. Cây nhãn sẽ ra được 13 - 15 lứa lộc. Bọ tán có thể vươn rộng tới 3m, sang năm thứ 3 mỗi cây đã có thể cho khai thác 20 - 25kg quả.
Chú ý:
- Tăng dần lượng bón đạm urê từ 0,2kg/sào lên 0,5kg/sào vào cuối năm thứ 2.
- Ngoài tưới đạm urê, cần bón thêm 0,5kg bột đậu tương + 0,3kg lân supe/gốc/năm (rắc đều lân supe, bột đậu tương cách gốc 15 - 30cm tới mép hình chiếu tán cây, dùng màng nilon phủ kín phân, và phải đợi bột đậu tương lên mốc xanh mới cuốn dọn màng nilon, rồi vùi sâu phân trong đất).
- Phun Atonik kết hợp thuốc phòng trừ sâu bệnh (nếu có).
- Sau mỗi lần cành lộc chuyển màu bánh tẻ, cần cắt tỉa, tạo tán để cây phát triển cân đối dạng hình nấm. Và khống chế đỉnh tán cây cao không quá 3m, thuận tiện chăm sóc và thu hoạch.
- Đất vườn khô chỉ tưới đủ ẩm, không được tưới bão hòa đất. Định kỳ vét đất vun gốc tạo rãnh luống thoát nước trong vườn.
5. Điều khiển cây ra hoa đậu quả
Với cây nhãn thâm canh cao thì từ tuổi thứ 2 trở đi đã có thể khai thác quả.
Cách làm:
- Từ trung tuần tháng 9 (âm lịch): Dừng tưới nước, bón phân cho cây.
- Vào ngày Đông chí hàng năm, tiến hành khoanh vỏ cành kích cho cây phân hóa mầm hoa (nếu trước đó 10 - 15 ngày đã có cây đã nhú lộc, phải khoanh vỏ ngay, không cần đợi tới ngày Đông chí).
- Khoanh thân cây hoặc cành cây có đường kính 8 - 10cm.
- Vị trí khoanh: cách gốc cành 15 - 20cm.
- Dụng cụ khoanh: Cưa sắt.
- Cách khoanh: Tiện 1 vòng tròn khép kín (quanh thân/cành cây) làm đứt lớp vỏ bì, tượng tầng, chạm tới tầng sinh gỗ.
Sau khoanh vỏ xúc tiến bón gốc ngay. Lượng phân/gốc: 1kg bột đậu tương + 2-3kg phân hữu cơ vi sinh + 0,5 kg lân supe.
6. Chăm bón thời kỳ cây mang quả
Cây phân hóa mầm hoa đến quả non đạt đường kính 1cm, định kỳ 7 ngày/lần phun dưỡng quả bằng bón lá SWEED-RONG BIỂN 95%.
Khi hạt quả chuyển màu đen, bón nuôi quả/ 1 gốc: 0,5kg kali clorua + 1,5kg bột đậu tương + chế phẩm siêu lân.
Trước thu quả 20 ngày, tùy theo lượng quả lấy đi trên cây để định lượng phân bón cho cây. Nếu cây cho khai thác 70 - 100kg quả, lượng bón gốc là 1,5 - 2kg bột đậu tương + 3-4kg phân hữu cơ vi sinh + 0,7-1kg lân supe (lần bón này chủ yếu để nuôi lộc thu).
7. Phòng trừ sâu bệnh
Cắt tỉa nhãn thường xuyên, tạo sự thông thoáng cho vườn để giảm thiểu sâu bệnh hại.
- Phòng trừ sương mai, rệp muội, bọ xít và một số dịch hại khác bằng Ridomil (0,2%) + Sherpa (0,2%). Phun các thời điểm: Cây nhú lộc; lá bánh tẻ; giò hoa mới nhú; trước nở hoa 7 ngày và sau tắt hoa, đậu quả.
- Trừ bệnh thối rễ và lở cổ rễ khi cây nhãn có biểu hiện suy yếu, lá vàng rụng, rễ mủn, rễ thối đen: Xới xáo vùng gốc, vét rãnh sâu để khơi thông dòng chảy, hạ thấp mực nước ngầm vườn nhãn, kết hợp tưới gốc bằng Bassa 50EC + Ridomil 5G.
- Suốt giai đoạn nhãn mang quả tuyệt đối không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Khống chế bệnh hại, làm sáng vỏ quả bằng chế phẩm Nano bạc. Phun định kỳ 15 ngày/lần. Lượng phun 60ml pha/ bình 16 -18 lít nước sạch. Có thể kết hợp bón lá SWEED-RONG BIỂN 95%.
8. Chăm sóc vườn sau thu hoạch Để năm sau cây nhãn tiếp tục ra hoa đậu quả, thì trong mùa thu năm trước cây nhãn phải có 2 lần ra lộc. Nên ngay khi cây kết thúc thu quả phải bón đạm urê ngay (vườn khô thì hòa nước tưới, vườn ẩm rắc vùi phân dưới lớp đất 5 - 10cm. Lượng đạm bón/cây đối với cây trên 5 tuổi 0,5 - 0,6kg.
Sau đó tiến hành cắt tỉa cành khô, cành gầm, cành vượt, cành sâu bệnh và cành mọc quá dày trong tán. Thu gom tiêu hủy tàn dư thực vật trong vườn. Quét vôi thân gốc. Tìm diệt sâu đục thân, đục cành qua lỗ mùn đùn trên thân (cành).
Khi cây ra lộc dài khoảng 10cm, phun Atonik kích dài cành lộc. Cành lộc chuyển màu bánh tẻ tiếp tục bón đạm urê, rồi phun Atonik khi lộc dài 10. Như vậy vườn nhãn đã ra 2 lần lộc thu.
Nhờ cách làm này, gia đình ông Nguyễn Phúc Hậu, thôn Quán Trạch, xã Liên Nghĩa (Văn Giang, Hưng Yên), mỗi năm thu đươc hơn 50 triệu đồng/sào nhãn.